Đông Anh phát huy sức mạnh trong xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với toàn TP, những năm qua, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp, tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân trên địa bàn huyện Đông Anh.

Đổi thay từ sức dân

Nếu ai có dịp về Đông Anh những ngày này hẳn sẽ không khỏi bất ngờ bởi diện mạo đổi thay của những làng quê ven sông Hồng. Không chỉ đường quốc lộ, liên xã, trục chính mà cả những tuyến giao thông nội đồng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp. Xe ô tô bốn chỗ, xe bán tải có thể di chuyển dễ dàng qua những cánh đồng. Chị Nguyễn Thị Vân - Trưởng thôn Sằn (xã Cổ Loa) cho biết, hơn một năm trước, con đường dẫn vào xóm nhỏ có 55 hộ dân này vẫn là đường đất ghồ ghề, trời mưa là lầy lội bùn đất rất khó đi. Nhưng nay, con đường dẫn vào làng đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp đi lại thuận lợi.  
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi gà VietGAP ở huyện Đông Anh năm 2015.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình nuôi gà VietGAP ở huyện Đông Anh năm 2015.
Không chỉ ở thôn Sằn, các trục đường lớn và mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản đã được đầu tư chuẩn hóa, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Đó là kết quả của việc từ năm 2010 đến nay, Đông Anh đã đầu tư gần 400 dự án với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng phục vụ nâng cấp hạ tầng giao thông. Dù vậy, để có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp tích cực của Nhân dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Quốc Trung cho biết, sau khi phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được phát động, xã đã tích cực vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động, ủng hộ vật chất để làm đường giao thông. Toàn xã có 118 hộ gia đình hiến trên 978m2 đất thổ cư và 3.240m2 đất nông nghiệp, đóng góp 17.198 ngày công và ủng hộ trên 7 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng NTM.

Không riêng Cổ Loa, tại tất cả các xã, thị trấn trong huyện, sự chung tay của người dân đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần tích cực thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, từ năm 2011 đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tích cực vận động nhiều thành phần kinh tế - xã hội cũng như các tầng lớp Nhân dân chung sức xây dựng NTM. 5 năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức đã đóng góp gần 183 tỷ đồng, đầu tư các công trình hạ tầng dân sinh. Các cá nhân, hộ gia đình cũng đóng góp bằng nhiều hình thức với tổng giá trị quy ra tiền trên 200 tỷ đồng. Có những gia đình ủng hộ hàng tỷ đồng như hộ ông Nguyễn Viết Phương ở xã Liên Hà ủng hộ 1,5 tỷ đồng kiên cố hóa đường giao thông ngõ xóm. Nguồn lực lớn từ sức dân là động lực mạnh mẽ tạo nên bước đổi thay ấn tượng, rõ nét trong diện mạo của Đông Anh.

Tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân

Một trong những kết quả ấn tượng nhất trong xây dựng NTM tại huyện Đông Anh là thu nhập của người dân không ngừng tăng lên. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm dần qua các năm. Ông Ngô Văn Lệ - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, thu nhập của bà con nông dân mới đạt dưới 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 5,9%. Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, thu nhập của người dân đã tăng lên trên 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 1,24%. Theo ông Lệ, phong trào xây dựng NTM tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân là do công tác tổ chức được thực hiện dân chủ, công khai. Tuy nhiên, để huy động sức dân, việc làm tốt công tác thông tin – tuyên truyền chỉ là điều kiện đủ. “Nhân dân đồng lòng, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép, cũng khó có thể đóng góp được nhiều cho xây dựng NTM…” - ông Lệ bày tỏ quan điểm. Do đó, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở trong năm 2016, cũng như những năm tiếp theo. Những năm qua, Đông Anh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế cao. Nổi bật như vùng chuối tiêu hồng tại Kim Chung. Vùng trồng đào, quất cảnh Uy Nỗ, Tàm Xá, Tiên Dương... Vùng rau an toàn ở Vân Nội, Liên Hà, Vĩnh Ngọc... Vùng lúa nếp cái hoa vàng ở Thụy Lâm, Dục Tú. Trên địa bàn huyện đang phát triển 208 trang trại sản xuất đa canh, góp phần nâng cao tổng đàn gia súc, gia cầm. Đến hết năm 2015, tổng đàn trâu, bò bình quân hàng năm đạt khoảng 6.150 con; đàn lợn trên 65.100 con và khoảng 2,1 triệu gia cầm, thủy cầm. Từ năm 2010 đến nay, phòng kinh tế huyện, các tổ chức hội, đoàn thể đã hỗ trợ bà con nông dân từ 5 – 7 tỷ đồng/năm phát triển sản xuất nông nghiệp. Cũng theo kế hoạch, năm 2016, Đông Anh sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa hàng hóa tại 6 xã sau dồn điền đổi thửa, tiến tới nhân rộng ra địa bàn toàn huyện vào những năm tiếp theo. Cùng với hệ thống hạ tầng được đầu tư ngày một đồng bộ theo chương trình xây dựng NTM, những định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất cụ thể trên của huyện Đông Anh đã góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.     

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - Trần Đình Nam cho biết, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân đã được xác định là 3 nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm 2016. Nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ nêu trên, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Tập trung huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân. Phát huy vai trò, sức mạnh làm chủ và đóng góp của Nhân dân trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2016, hoàn thành mục tiêu có 100% số xã đạt chuẩn xây dựng NTM.
Tính đến hết năm 2015, huyện Đông Anh có 21/23 xã đạt và đủ điều kiện “xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015. Sau huyện Đan Phượng, Đông Anh là một trong 3 địa phương của TP Hà Nội (cùng với Thanh Trì và Hoài Đức) đủ điều kiện đề nghị Chính phủ xét công nhận “Huyện nông thôn mới”.