Theo báo cáo kết quả PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, vùng ĐBSCL vẫn đóng góp 5 địa phương.
Tuy nhiên, kết quả PCI năm 2021 của vùng ĐBSCL cho thấy nhiều sự thay đổi về điểm số cũng như xếp hạng, xếp loại. Theo VCCI Cần Thơ, đáng chú ý là mức độ giảm thứ hạng của các tỉnh lại nghiêm trọng hơn so với mức tăng, điểm trung bình của các chỉ số thành phần của vùng ĐBSCL có sự biến động mạnh so với năm trước.
Cụ thể, trong số 13 tỉnh/thành của ĐBSCL, TP Cần Thơ vẫn giữ nguyên vị trí thứ 12, còn lại có 6 tỉnh giảm thứ hạng và 6 tỉnh tăng thứ hạng.
Đa phần các tỉnh thăng hạng đều là những tỉnh có triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở/ngành, quận/huyện). Một số tỉnh có sự cải thiện lớn về thứ hạng như: Tiền Giang (tăng 12 bậc), Cà Mau (tăng 11) và Bạc Liêu (tăng 8)…
Tuy nhiên, so với mức tăng của các tỉnh trên, mức độ giảm thứ hạng của các tỉnh khác lại nghiêm trọng hơn. Trong đó, có 3 tỉnh giảm mạnh là: Vĩnh Long (giảm 17 bậc), Long An (giảm 13 bậc) và Bến Tre (giảm 10 bậc). Vĩnh Long cũng là tỉnh sụt giảm mạnh nhất và không còn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu của năm 2020.
Về điểm trung bình của các chỉ số thành phần, vùng ĐBSCL có sự biến động mạnh so với năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” của ĐBSCL có điểm trung bình 5,86 điểm, giảm mạnh nhất (giảm 19%) và thấp hơn cả nước (5,99 điểm).
Chỉ số “Chi phí thời gian” cũng có mức giảm sâu (giảm 11%). Hay chỉ số “Đào tạo lao động” cũng giảm 9% so với năm trước khi đạt 5,5 điểm, thấp nhất trong nhóm chỉ số và thấp hơn cả nước (5,81 điểm). “Trình độ lao động được xem là điểm yếu cố hữu của vùng và đã được phản ánh chính xác trong chỉ số PCI” - VCCI Cần Thơ cho hay.
Mặc dù kết quả về thứ hạng và điểm số không khả quan nhưng trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, ĐBSCL vẫn có 5 vị trí bao gồm: Đồng Tháp (thứ 3), Cần Thơ (12), Long An (16), An Giang (17) và Bến Tre (18).
Môi trường kinh doanh vùng ĐBSCL ở năm vừa qua cũng nhận được nhiều đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở các chỉ số như: “Chính sách hỗ trợ DN” (tăng 10%), “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” (tăng 5%), “Chi phí không chính thức” (tăng 5%), “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” (tăng 5%)…
Theo VCCI Cần Thơ, trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, giai đoạn 2015 - 2019, ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu của cả nước.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến các mặt kinh tế - xã hội của cả nước cũng như ĐBSCL. Cộng đồng DN cũng như cơ quan ban ngành các tỉnh trong vùng đã gặp rất nhiều khó khăn…
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2021, Quảng Ninh đạt 73,02 điểm (trên thang điểm 100), đứng đầu cả nước, tiếp đến là Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh xếp ở vị trí quán quân và 9 năm liên tiếp có mặt trong top 5. Ở chiều dưới lên, các vị trí cuối bảng lần lượt là Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Kiên Giang...
Cũng theo báo cáo của VCCI, có tới 92% DN (94% DN tư nhân trong nước và 86% DN có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Có 33% DN tư nhân trong nước và 18% DN FDI đã tiến hành cắt giảm lao động…