Lương hưu thấp nhưng đảm bảo
Nhiều người lao động thấy vui khi đón nhận thông tin đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 15 năm để được nhận lương hưu. Bởi đây là chính sách rất tốt để đảm bảo cho người lao động tham gia vào thị trường lao động muộn và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục có cơ hội được hưởng hưu trí – chế độ cơ bản nhất để đảm bảo an sinh cho người lao động. Cũng từ đó giúp đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ khuyến khích người dân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, điều mọi người băn khoăn, đó là khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Bởi tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại). Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ LĐTB&XH – cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cân nhắc và bổ sung thêm luận chứng trong đánh giá tác động chính sách.
Việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp, đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn. Vì vậy, cũng có ý kiến bộ, ngành đề nghị tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Tại tọa đàm Lương hưu và quyền lợi của người lao động trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng đã có trao đổi về giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm thì tiền lương hưu sẽ thấp. Theo ông Lê Đình Quảng, dù tiền lương hưu của người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể sẽ thấp nhưng đảm bảo hơn nhiều so với những người không được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp khác. Hơn nữa, theo định kỳ, Chính phủ sẽ căn cứ vào tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số trượt giá để điều chỉnh lương hưu. Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều lần điều chỉnh tiền lương hưu, như vậy lương hưu vẫn đảm bảo cuộc sống.
Vẫn nên có sàn tiền lương hưu
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng mong muốn, khi sửa lại Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn nên có sàn tiền lương hưu. Bởi theo quy định tại khoản 5, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì: Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở. Tới đây, khi Nhà nước vẫn nên có quy định này để người về hưu bảo đảm cuộc sống tối thiểu như quy định trong luật hiện hành.
Mới đây, góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số cơ quan đề xuất đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác để khi người lao động về hưu có mức lương hưu cao. Thực tế, có những người lao động muốn nâng mức đóng bảo hiểm xã hội bởi thu nhập thực tế cao hơn rất nhiều mức đóng hiện nay, để có tiền lương hưu cao. Tuy nhiên, làm sao hạn chế được các DN chẻ nhỏ những khoản thu nhập của người lao động để giảm số tiền đóng bảo hiểm xã hội, là vấn đề đang được đặt ra?
Về nội dung này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, từ năm 2018, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật. Thế nhưng chúng ta không kiểm soát được hết dẫn đến một số DN có tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì thế, đề xuất mức đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% trên tổng tiền lương và các khoản thu nhập là phù hợp; bởi vừa đảm bảo điều kiện cho DN trong bối hiện nay gặp khó khăn, vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Vì thế, đây là ý kiến rất cần xem xét khi Nhà nước hoàn thiện chính sách tiền lương.
Lại có những ý kiến người lao động lo lắng khi thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống, nếu đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% trên tổng tiền lương và các khoản thì mỗi tháng sẽ mất đi một khoản. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đình Quảng, đúng là người lao động sẽ bị thiệt khi đóng bảo hiểm xã hội mức tiền lớn hơn nhưng bù lại khi về hưu sẽ được hưởng chế độ cao. Trong việc đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn hiện nay thì người sử dụng lao động sẽ đóng góp nhiều hơn và người lao động được hưởng lợi nhiều hơn (người sử dụng lao động đóng 14%, người lao động đóng 8%). Như vậy, trước mắt người lao động thiệt hơn ít tiền nhưng sau này về hưu được hưởng quyền lợi lớn để đảm bảo cuộc sống.