Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm có được lĩnh tiền lương hưu 45%?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tăng tính chia sẻ cho người có tiền lương hưu quá thấp; áp dụng cách tính lương hưu hiện hành; đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 15 năm, tiền lương hưu có được tính bằng 45%… là những vấn đề được đặt ra khi góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Thêm 2 đối tượng sẽ được hưởng lương hưu

Giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu được được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là một trong những thay đổi trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) so với Luật BHXH hiện hành.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; tương ứng với thời gian đóng BHXH là 20 năm đối với lao động nam, 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ, sau đó, cứ mỗi năm đóng thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Ảnh minh họa.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Ảnh minh họa.

“Việc đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là nhằm tạo cơ hội cho những người 45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia hoặc người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng", cơ quan soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) Bộ LĐTB&XH cho biết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu so với quy định của pháp luật hiện hành để người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách chính sách BHXH và nguyện vọng nhiều người lao động.

Tuy nhiên, mức lương của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu có mức lương hưu thấp. Đây là điều nhiều người lao động băn khoăn và đề nghị tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Thúy Hà, với cách tính này, lao động nam sẽ bị thiệt thòi hơn so với lao động nữ. Bởi theo cách tính hưởng lương hưu hiện nay, lao động nam vẫn được tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu như lao động nữ cho 15 năm đóng BHXH. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo áp dụng cách tính lương hưu như ở luật hiện hành để có tính chuyển tiếp, không nên thay đổi quá nhiều.

Đề nghị làm rõ lương hưu của người đóng BHXH dưới 15 năm

Mức lương hưu hàng tháng gắn liền với quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá quy định tại khoản 1 Điều 73 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định về mức lương hưu hàng tháng, Bộ Tư pháp nhận thấy còn một số nội dung chưa rõ, chưa thống nhất.

Người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, có được hưởng lương hưu 45%?. Ảnh: Trần Oanh. 
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, có được hưởng lương hưu 45%?. Ảnh: Trần Oanh. 

Cụ thể, cơ quan soạn thảo quy định: “Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%”. Quy định này chưa rõ mức lương hưu hàng tháng người lao động đóng dưới 15 năm BHXH có được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như trường hợp đủ 20 năm đóng BHXH nêu trên hay không. Nếu không tính bằng 45% thì trường hợp này sẽ được xác định theo tỉ lệ bao nhiêu % mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động?

Cơ quan soạn thảo cũng chưa làm rõ được căn cứ, cơ sở quy định mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu là 2,25% đối với lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm. Ngoài ra, quy định này mới chỉ áp dụng cho lao động nam, chưa có quy định áp dụng cho lao động nữ.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo quy định: “Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH tính hưởng lương hưu dưới 15 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%” đang có sự mâu thuẫn với quy định tại Điều 71 và 72 dự thảo Luật. Theo Điều 71, 72 dự thảo Luật, một trong các điều kiện hưởng lương hưu là người lao động có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên. Hơn nữa, theo điểm a khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật quy định, người lao động được hưởng BHXH một lần nếu thuộc trường hợp “đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện”.

Về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án: Phương án 1 giữ nguyên như quy định của Luật BHXH năm 2014; phương án 2 bổ sung quy định: “Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH”.

Để đảm bảo công bằng giữa những người tham gia BHXH và có căn cứ đề xuất cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án thực hiện, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích, làm rõ lý do, cơ sở và căn cứ đề xuất bổ sung quy định tại phương án 2 và thể hiện rõ quan điểm lựa chọn đối với 2 phương án.

 

“Thực hiện Luật BHXH 2014, thời gian qua có khoảng 200.000 người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không đủ thời gian đóng BHXH 20 năm; 300.000 người hưởng BHXH một lần có thời gian đóng BHXH từ 10 năm trở lên. Khi giảm điều kiện thời gian, mặc dù người đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu hàng tháng khiêm tốn hơn so với những người tham gia 20 năm nhưng định kỳ Nhà nước sẽ điều chỉnh mức lương hưu và hưởng bảo hiểm y tế” - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường thông tin.