70 năm giải phóng Thủ đô

Đồng bộ nhóm giải pháp để hút khách sử dụng tàu điện, xe buýt

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) dễ dàng hơn.

Việc tìm giải pháp để nhiều người bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện VTHKCC là vấn đề cần làm ngay để giải quyết tình trạng ùn tắc, khói bụi trên địa bàn Thủ đô.

Cải thiện, tối ưu mạng lưới

Ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang kìm hãm sự phát triển, gây lãng phí của cải xã hội, là một trong những thách thức lớn nhất đối với Hà Nội. Một trong những giải pháp quan trọng nhất cho thực trạng đó là phát triển VTHKCC, bằng cách cải thiện, tối ưu mạng lưới xe buýt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đi lại.

Người dân tham gia vận tải hành khách công cộng là góp phần tránh ùn tắc giao thông và giảm khói bụi trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Hải Linh
Người dân tham gia vận tải hành khách công cộng là góp phần tránh ùn tắc giao thông và giảm khói bụi trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Hải Linh

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.

Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ VTHKCC dễ dàng hơn. Mạng lưới xe buýt được đánh giá là dày đặc với dàn phương tiện chất lượng cao ngày càng được nâng cấp, phát triển đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sản lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi lại vẫn chưa được như kỳ vọng.

Thực tế hiện nay, nhu cầu đi lại ngay cả khi di chuyển quãng ngắn, người dân vẫn thường sử dụng phương tiện cá nhân thay vì chọn xe buýt, tàu điện dẫn đến số xe hoạt động cùng một lúc là rất cao, đặc biệt tại các quận trung tâm. Tính riêng trong tháng 9/2024, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội đăng ký mới 9.131 phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý thành 8.127.191, trong đó 1.157.342 xe ô tô, 6.969.849 xe mô tô.

Phương tiện cá nhân tăng cao, kết quả quan trắc từ các trạm và một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như IQAir cho thấy, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe. Theo đó, bản đồ chất lượng không khí cập nhật lúc 10 giờ ngày 23/11 hiển thị chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới 158, ở mức không lành mạnh.

Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, có đến 60 - 70% khách dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi. Lượng hành khách đó sử dụng không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm, vì người về hưu ít ra đường giờ cao điểm. Ông Phan Lê Bình khẳng định, muốn phương tiện vận chuyển công cộng cạnh tranh không dễ, nhất là chưa cạnh tranh được về thời gian đi lại.

Nhiều năm qua, mặc dù xe buýt đã khẳng định được vai trò chủ lực trong mạng lưới VTHKCC của Thủ đô, tuy nhiên, mạng lưới xe buýt của Hà Nội vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp lộ trình, tần suất, thời gian chạy xe. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GTVT Hà Nội đặt ra là sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới xe buýt, hợp lý hóa lộ trình, tần suất chạy xe, nhằm tối ưu năng lực phục vụ, mang đến dịch vụ chất lượng hơn cho hành khách.

Tìm giải pháp tức thời

Với không ít người, xe buýt chưa đáp ứng được kỳ vọng, còn nhiều nhược điểm như: chậm, chất lượng dịch vụ chưa cao… dù được TP Hà Nội chi hàng nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm để trợ giá. Nhưng từ góc nhìn đối diện sẽ thấy, tiền không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng của xe buýt. Còn rất nhiều điều chưa làm được khiến loại hình VTHKCC chủ lực này rơi vào tình trạng khó khăn.

Về nguyên tắc, VTHKCC là phải được ưu tiên, được tạo điều kiện tối đa để thay thế phương tiện cá nhân phục vụ số đông, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nói cách khác, xe buýt sinh ra là để vận hành trong điều kiện ưu tiên. Nhưng đó chỉ là giấc mơ xa vời với xe buýt Hà Nội. Hàng chục năm qua, hầu như không một tuyến đường nào khi quy hoạch, thiết kế có tính đến làn đường riêng, vị trí lắp đặt điểm dừng, nhà chờ cho xe buýt.

Trước thực tế đó, thời gian qua, các đơn vị quản lý đang nỗ lực tìm ra những giải pháp tức thời để kiến xe buýt trở nên thuận lợi, an toàn trong mắt người dân. Một trong những giải pháp đã và đang đem lại hiệu quả nhanh chóng là việc cải thiện, tối ưu mạng lưới. Đơn cử, giữa năm 2024, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã tiến hành dừng hoạt động 5 tuyến xe buýt số 10, 14, 18, 44, 145. Theo đánh giá, đây là những tuyến xe buýt có mức trợ giá cao, hoạt động không hiệu quả.

Song song với việc tạm dừng hoạt động 5 tuyến xe buýt này, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội cũng tiến hành điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến buýt lân cận. Việc tạm dừng hoạt động và điều chỉnh luồng tuyến này giúp tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Đánh giá hiệu quả từ việc điều chỉnh lộ trình, tần suất, hợp lý hóa mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội thời gian qua, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan cho rằng: “Đây là một giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng xe buýt, mà bấy lâu nay chưa được chú trọng đúng mức”.

Ông Đỗ Cao Phan phân tích, trong bối cảnh mật độ giao thông cao, xe buýt không có làn đường riêng, hành khách nơi đông nơi vắng… không thể chỉ tập trung vào việc mở mới, kéo dài tuyến. Cần phải sắp xếp, tính toán cụ thể với từng tuyến buýt. “Có tuyến cần kéo dài ra, có tuyến cần thu ngắn lại, giảm tần suất… để tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trợ giá và đặc biệt là cung cấp cho hành khách dịch vụ tốt nhất cũng như tạo điều kiện tối đa cho lái phụ xe buýt giảm áp lực, làm việc hiệu quả hơn” - ông Đỗ Cao Phan cho biết.

 

Cùng với việc cho dừng hoạt động đối với một số tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, thời gian qua, Hà Nội cũng đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình 78 tuyến xe buýt. Trong đó hợp lý hóa lộ trình 18 tuyến; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ 27 tuyến; điều chỉnh tần suất dịch vụ 8 tuyến; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe 25 tuyến.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội bỏ một số tuyến buýt hoạt động không hiệu quả là cách làm tốt nhằm nâng cao chất lượng xe buýt. TP Hà Nội cũng cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể hơn nữa đối với mạng lưới xe buýt toàn địa bàn.

Có tuyến cần kéo dài ra, có tuyến cần thu ngắn lại, giảm tần suất... để tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách trợ giá, đặc biệt là cung cấp cho hành khách dịch vụ tốt nhất cũng như tạo điều kiện tối đa cho lái phụ xe buýt giảm áp lực, làm việc hiệu quả hơn.