Đóng bổ sung bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài thế nào?

PV
Chia sẻ Zalo

Câu hỏi:

Công ty tôi thuộc doanh nghiệp nước ngoài mở chi nhánh ở Việt Nam. Vì người lao động (NLĐ) nước ngoài hoàn toàn phù hợp với điều kiện di chuyển nội bộ nên công ty và NLĐ nước ngoài đều không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chỉ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho NLĐ nước ngoài. Sau tôi mới biết, NLĐ nước ngoài ở công ty vẫn thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc.

Vậy tiền BHXH của NLĐ nước ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay, nếu đóng bổ sung thì phải tính như thế nào? Thủ tục ra sao? Công ty có bị phạt không? Ngoài ra, khoảng thời gian làm việc ở Việt Nam, tiền BHYT của NLĐ nước ngoài đều do công ty đóng (cả phần của NLĐ) và có đóng dư. Vậy khoản đóng dư BHYT các năm có được hoàn trả? (Lai Ngọc Kỳ - Hà Nội)

BHXH Hà Nội trả lời:

Căn cứ Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định đối tượng áp dụng:

Người lao động cần được hưởng các quyền lợi chính đáng từ BHXH.
Người lao động cần được hưởng các quyền lợi chính đáng từ BHXH.

“1. NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam”.

  1. NLĐ quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
  2. a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;”

Theo Điều 4 Quyết định số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN).

Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Trường hợp NLĐ di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ Luật Lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, bạn đối chiếu với quy định trên để xác định NLĐ nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hoặc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bạn nộp hồ sơ bao gồm: tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);  báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-LT);

Bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến điều chỉnh thông tin của đơn vị (nếu có); hồ sơ của NLĐ gửi đến cơ quan BHXH.

Căn cứ Công văn số 389/BYT-BH ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế về việc vướng mắc đóng BHYT cho lao động người nước ngoài thì “pháp luật về BHYT không quy định việc áp dụng đối với đối tượng “NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp””.

Theo hướng dẫn tại tiết a, điểm 1.3, khoản 1, Điều 33b, Quyết định số 2525/VBHN-BHXH, hàng tháng cơ quan BHXH gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu C12-TS) cho đơn vị, đơn vị kiểm tra, đối chiếu, nếu có sai lệch thông báo và phối hợp với cơ quan BHXH để giải quyết.

Trường hợp đơn vị của bạn nộp tiền BHYT nhiều hơn số tiền phải đóng thì số tiền nộp thừa này sẽ được cơ quan BHXH ghi nhận là số tiền thừa chuyển kỳ sau (cột số 3 mục 2.1 phần Đ Mẫu C12-TS) và tự động đối trừ khi thanh toán kỳ tiếp theo mà không phải thực hiện bất cứ thủ tục gì.