KTĐT - Trận động đất 7,3 độ richter ở Haiti chỉ kéo dài khoảng 3 phút song có sức công phá ghê gớm đã biến gần như toàn bộ đất nước nhỏ bé ở vùng Caribe này thành đống tro tàn.
Sau thời khắc 16 giờ 53 phút ngày 12/1 (giờ địa phương) khủng khiếp đó, cả thế giới gần như ngay lập tức chạy đua với thời gian để giúp Haiti khắc phục thảm họa.
"Đây là một thảm họa, một bi kịch, một nỗi đau quá sức chịu đựng, một sự bất công ghê gớm, nhất là nếu bạn đã chứng kiến cuộc sống của người dân Haiti trước đây". Tâm trạng của ngôi sao trong "Out of Africa", Meryl Streep, cũng là tình cảm chung của cả nhân loại trước tình cảnh đau thương ở Haiti.
Từ trong đống đổ nát hoang tàn, giữa những xác chết lẫn với gạch vụn ngổn ngang trên phố, những người dân sống sót chỉ còn biết chờ đợi sự cứu giúp. Và khi người Haiti kêu gọi giúp đỡ, cả thế giới đã đáp lời.
Cả thế giới vào cuộc
Một ngày sau động đất, các thùng hàng viện trợ nhân đạo và các thiết bị cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu đổ về Haiti, nơi các tàu sân bay và máy bay quân sự Mỹ đã triển khai sẵn sàng để giúp đất nước vừa gánh chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng chung vai sát cánh để viện trợ cho Haiti, giúp tìm kiếm những người có thể còn sống sót dưới đống gạch đổ nát, cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men và lều trú ẩn cho những người dân đang hoảng loạn, mất phương hướng. Tất cả diễn ra nhanh nhất có thể bởi đây là một cuộc đua tính từng giờ một, chống chọi với cái chết, cái đói và nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
36 giờ sau trận động đất, hàng nghìn tấn hàng viện trợ nhân đạo quốc tế đã hoặc đang trên đường đến Haiti, cùng với đó là hàng tỷ USD được chính phủ các nước và các tổ chức tài chính cam kết viện trợ cho quốc gia nghèo nhất Tây Bán cầu này.
Mười ngày sau thảm họa, Liên hợp quốc công bố số liệu cho thấy số tiền quốc tế cam kết trợ giúp Haiti đã lên tới hơn 1,2 tỷ USD. Khoảng 1 triệu khẩu phần lương thực đã được phân phát cho hơn 200.000 người Haiti.
Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) ước tính cần hơn 100 triệu khẩu phần lương thực và chai nước uống trong vòng một tháng tới. Hơn 300 lều bạt được dựng ở Port-au-Prince để tiếp những người vô gia cư. Gần 10 bệnh viện ở thủ đô Port-au-Prince đang hoạt động quá tải, cùng với bệnh viện dã chiến Comfort của Mỹ với 1.000 giường bệnh và có khả năng chăm sóc từ 50-70 bệnh nhân cùng lúc...
Không chỉ tình đoàn kết
Người dân Haiti là nạn nhân của sự bất ổn triền miên về chính trị, kinh tế và thảm họa thiên tai. Riêng trong một thập kỷ trở lại đây, Haiti liên tiếp bị bão lớn đe dọa.
Năm 1998, cơn bão George đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người dân đảo này. Năm 2004, bão Jeanne kèm theo lũ lụt lớn và lở đất, đã quét sạch một phần nước này, làm hơn 3.000 người chết. Năm 2007, phía Nam hòn đảo chìm trong nước do những cơn mưa lớn kéo dài. Chỉ riêng năm 2008, bốn cơn bão nhiệt đới (Fay, Gustav, Hanna và Ike) đã tấn công Haiti, khiến hơn 800 người thiệt mạng, trong đó quá nửa là dân thành phố Gonaïves ở miền Bắc và khoảng một triệu người khác cũng bị ảnh hưởng.
Không chỉ bão lụt, hòn đảo này còn là nạn nhân của động đất do nằm trên vùng đứt gãy của kiến tạo địa tầng khu vực. Trận động đất ở Port-au-Prince là cơn địa chấn mạnh nhất mà người dân Haiti từng chứng kiến kể từ ngày 7/5/1842, thời điểm mà một trận động đất mạnh 8,1 độ richter đã phá hủy hoàn toàn Cap-Haitien, thành phố du lịch thứ hai ở nước này.
Sau thảm họa trên cũng đã xảy ra hai trận động đất lớn trong các năm 1954 và 1994. Riêng năm 2005, chỉ trong vòng 13 ngày, Haiti đã phải chịu ba cơn dư chấn ở mức 4-4,3 độ richter. Và mỗi khi thiên tai ập đến, hàng trăm nghìn người dân trở thành nạn nhân.
Đương đầu với thảm họa kinh hoàng hôm 12/1, tình đoàn kết tương trợ, chia sẻ nỗi đau của đồng loại, sự trợ giúp quốc tế là hết sức cần thiết đối với người dân Haiti. Song điều mà Haiti cần vào thời điểm hiện tại không chỉ là sự trợ giúp cứu nhiều mạng sống, mà còn là sự hỗ trợ tái khởi động nền kinh tế để đưa đất nước Haiti thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu và bất ổn.