Nhân ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.
Trong bức thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến ngay từ những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu tâm nhắc nhở chúng ta rằng “người Việt Nam phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, “cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp”. Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho nâng cao kỹ năng lao động.
“Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kỹ năng lao động. Và trên thực tiễn, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội” – Chủ tịch nước khẳng định trong bức thư.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. |
Chủ tịch nước tri ân những đóng góp lớn lao của người lao động, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng DN đối với phát triển của đất nước và kêu gọi toàn thể người lao động trong cả nước không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc. Lúc này chúng ta còn cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành LĐTB&XH cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Cộng đồng DN và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Hai thành viên đội tuyển Việt Nam giành Huy chương Vàng cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021. |
Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH, đến nay, lực lượng lao động nước ta có khoảng 55 triệu người, chiếm gần 60% dân số. Sau 1 năm thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10/2020 – 4/10/2021), trước bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động nhưng Bộ LĐTB&XH đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng lao động, góp phần phục hồi và ổn định thị trường lao động cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ LĐTB&XH hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề cho người lao động; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), biên soạn đề thi và đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG. Từ tháng 10/2020 đến nay có 19 nghề được công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, 9 nghề được ban hành ngân hàng đề thi KNNQG; cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 3 đơn vị. Trong 1 năm qua, đã có 138 người được đào tạo nghiệp vụ đánh giá KNNQG; đánh giá 11.049 người lao động.
Đến nay, có 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn KNNQG; 96 nghề có ngân hàng đề thi KNNQG; hình thành hệ thống các tổ chức đánh giá KNNQG với 52 tổ chức phân bổ ở các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Cùng với đó, có 1.734 người được cấp thẻ đánh giá viên từ bậc 1 đến bậc 5 ở 51 nghề; 73.049 lượt người lao động được tổ chức đánh giá, trong đó có 63.246 người được công nhận, cấp chứng chỉ KNNQG.
Ngay sau khi tổ chức thành công Kỳ thi KNNQG năm 2020, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, Hiệp hội, cộng đồng DN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học chuẩn bị tổ chức Kỳ thi KNNQG lần thứ 12 năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với nhiều nội dung đổi mới. Bộ LĐTB&XH sẽ tổ chức thi trực tiếp 21 nghề và lần đầu tiên tổ chức thi 11 nghề theo hình thức tực tuyến.
“Đến nay nhận thức của người dân, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện. Cộng đồng DN đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm. DN tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động; đặc biệt, tích cực tham gia vào quá trình tái định hình kỹ năng thời kỳ hậu Covid-19, giúp phục hồi và ổn định thị trường lao động” – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.