Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4
Động lực để Thủ đô phát triển xứng tầm vị thế
Kinhtedothi - Mới đây, nhiều huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây đường Vành đai 4. Lãnh đạo các huyện đều khẳng định, mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân đều được huyện xem xét, giải quyết hợp lý, sát thực tế và đúng quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ cấp bách
UBND huyện Thanh Oai vừa phối hợp với Sở QH-KT Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên) tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên) là khu vực định hướng mở rộng phát triển về phía Tây của vùng đô thị phía Nam sông Hồng (trên địa bàn quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Thanh Oai) của TP Hà Nội. Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024. Đồng thời mở rộng không gian đô thị ra phía Tây và phía Nam khu vực Tây Vành đai 4 gắn với các trục hướng tâm như đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6, trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên. Phát triển đô thị hiện đại bổ sung các chức năng hạ tầng, kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển không gian đô thị theo mô hình TOD, nén tại khu vực đầu mối giao thông chính, ga đường sắt đô thị. Hình thành các tổ hợp y tế chất lượng cao, các trung tâm thương mại, phát triển logistics, đầu mối bến bãi đỗ xe…

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đoạn qua địa bàn huyện Hoài Đức đang được khẩn trương triển khai. Ảnh: Việt Anh
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng: thời gian qua, huyện Thanh Oai đã nâng cấp, cải tạo khoảng 270km đường giao thông các loại, cơ bản bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các đơn vị trong huyện và vùng phụ cận. Đặc biệt là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ, đoạn qua Thanh Oai dài 7,9km thuộc địa bàn 6 xã. Huyện cũng đang gấp rút hoàn thành tuyến đường trục phát triển kinh tế của huyện. Về cơ bản hạ tầng khung của huyện được quy hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ, đồng thời quy hoạch hàng ngàn hec-ta đất đô thị, thương mại và công nghiệp – dịch vụ.
Trích dẫn
Thanh Oai là huyện cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội - nơi kết nối giao thông, giao thương, phát triển kinh tế của các tỉnh thành khu vực phía Bắc và một số tỉnh thành khu vực miền Trung, miền Nam thông qua cầu nối giao thông là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21B, đường trục phía Nam, đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô, đường Hà Đông - Xuân Mai và khu đô thị phía Tây đường Vành đai 4 với quy mô gần 1.000ha theo định hướng quy hoạch. Đây là điều kiện lý tưởng để huyện Thanh Oai trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp, logistics, kích thích sự phát triển hài hòa các hoạt động thương mại dịch vụ, kết hợp duy trì phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo tiền đề vững chắc để huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành quận sinh thái của Thủ đô.
Nhấn mạnh việc lập Quy hoạch là nhiệm vụ cấp bách, Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cho biết: Việc lập Quy hoạch Phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 3, tỷ lệ 1/2000 là công việc cấp bách nhằm tạo động lực để Thủ đô nói chung phát triển xứng tầm vị thế cũng như động lực phát triển ở địa phương huyện Thanh Oai nói riêng. Thời gian niêm yết và lấy ý kiến góp ý từ nay đến trước ngày 22/4/2025. Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đồ án quy hoạch kiến trúc sớm triển khai công tác tổng hợp ý kiến cũng như các văn bản xác nhận kết quả tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đúng tiến độ theo quy định hiện hành.
Bảo đảm quyền lợi chính đáng
Đầu tháng 4, UBND huyện Mê Linh phối hợp với Ban Quản lý đồ án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng), tỷ lệ 1/2000.
Khu vực nghiên cứu thuộc địa giới hành chính huyện Mê Linh bao gồm các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê, Đại Thịnh, Liên Mạc, Tự Lập, Chu Phan. Hiện trạng khu vực nghiên cứu chủ yếu là đất nông nghiệp. Dân cư hiện có trên địa bàn của huyện Mê Linh là các khu dân cư tồn tại lâu đời nằm chủ yếu dọc theo các tuyến đường liên xã, liên huyện và sông Cà Lồ, với các công trình giáo dục, đào tạo; công trình dịch vụ y tế; công trình dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao và các công trình dịch vụ khác...
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng), tỷ lệ 1/2000; đồng thời mong muốn các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, khớp nối với các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã, đang được triển khai nhằm mở rộng không gian phát triển cho huyện Mê Linh.
Vừa qua, tại buổi kiểm tra thực địa, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thôn Khê Ngoại 2 chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua huyện Mê Linh), Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân đều được huyện xem xét, giải quyết hợp lý, sát thực tế và đúng quy định của pháp luật. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, huyện đã chủ động báo cáo, đề xuất TP chỉ đạo giải quyết. Ông Nguyễn Thanh Liêm mong muốn các hộ gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thuận ủng hộ dự án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng, tránh phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND, ngày 6/1/2025 về việc điều chỉnh bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP, đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 (khu vực bên ngoài Vành đai 4 và một phần phía Đông Vành đai 4). Theo đó, TP điều chỉnh danh mục đề xuất bổ sung vào kế hoạch quy hoạch gồm: Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 1 (Bắc sông Hồng). Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 2 (từ Nam sông Hồng đến Đại lộ Thăng Long). Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên). Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 4 (từ tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên đến đê sông Hồng).

Cần làm rõ tiêu chí vùng phụ cận đường vành đai 4
Kinhtedothi- Cần làm rõ tiêu chí vùng phụ cận, tăng cường sự giám sát độc lập – đây là ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia đối với Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường vành đai 4 Vùng Thủ đô để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư theo hình thức BOT
Kinhtedothi - Trong báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh gửi Bộ Tài chính báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các địa phương có tuyến đường đi qua đều thống nhất chọn loại Hợp đồng BOT để triển khai dự án.

Chìa khóa thành công trong giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 tại huyện Thường Tín
Kinhtedothi - Giải quyết khối lượng công việc lớn và phức tạp, nhưng huyện Thường Tín đã hoàn thành công tác thu hồi đất, GPMB dự án xây dựng đường vành đai 4 từ rất sớm. Chìa khóa của thành tích này nằm ở sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ đó mang đến đồng thuận của người dân.