Ngoài ra, khối này cũng có chỉ số nợ cao nhất và chỉ hoạt động hiệu quả được trong một số ngành có lợi thế như khai thác khoáng sản, tài chính ngân hàng, viễn thông. Vậy, làm gì để DNNN đổi mới và phát triển, để tấm áo DNNN không chỉ rộng mà còn đẹp và tốt hơn?
Chưa chú trọng đến chất, chậm đổi mới quản trị
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tổng tài sản của DNNN hiện là 4 triệu tỷ đồng, mỗi DN có quy mô tài sản bình quân khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần DN tư nhân trong nước. Khối này tạo ra tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân là 10,46%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/ tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối DN tư nhân; đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Bộ KH&ĐT, sự phát triển của DNNN vẫn chưa xứng với tiềm năng, vai trò dẫn dắt, tạo động lực với nền kinh tế vẫn còn hạn chế.
Cụ thể, khối này chưa có các dự án đầu tư quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN Việt Nam. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Các DN này chưa chú trọng đến chất, đổi mới quản trị còn chậm, cơ chế đãi ngộ, xử lý trách nhiệm vẫn theo quy định như công chức Nhà nước nên không tạo được động lực khuyến khích, cán bộ dám chủ động, đổi mới.
Đáng chú ý, các dự án đầu tư mới cũng không được chú trọng, thúc đẩy trong thời gian qua nên có rất ít công trình, dự án quy mô lớn được khởi công. Riêng đối với 19 tập đoàn tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Viettel, nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A.
"Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế, khi tỷ trọng đóng góp hiện nay là 29%" - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cần cơ chế mở để DNNN phát triển
Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel và nhiều DNNN khác sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh để phát triển. “Chúng tôi coi cạnh tranh như một liều vaccine để DN phát triển”- ông Thắng nhấn mạnh.
Đại diện Viettel cũng đề cập đến một số khó khăn của DNNN trong đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, việc các DN tăng cường đầu tư ra nước ngoài, trong đó có các khoản đầu tư mạo hiểm, hợp tác cùng các Quỹ đầu tư là cần thiết. Kênh đầu tư này mang lại cho các DNNN lợi nhuận lớn tuy nhiên rủi ro cũng rất cao. Vì vậy, ông Thắng đề xuất, Chính phủ có Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ DNNN.
Cùng quan điểm, ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐQT VNPT cho rằng, DN công nghệ thông tin là phải luôn luôn sáng tạo. Sự sáng tạo này đặc biệt lớn ở người trẻ. “Nhiều Start-up có thể hiện tại còn rất bé nhưng họ có thể vươn vai thành tỷ đô trong thời gian không dài. Việc đầu tư vào các DN kỳ lân này sẽ giúp các DNNN có một nguồn lực về công nghệ, con người và nhiều thứ khác nữa để phát triển.
“Muốn mạo hiểm thì phải có chính sách cơ chế. Nhưng nếu DNNN cứ đúng mà làm thì không làm được cái gì cả, không ai dám làm. Vì vậy, cần phải có cơ chế thoáng ra, rộng ra để DNNN phát triển”- ông Thái nhấn mạnh.
Đại diện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nêu ra thực tế, DNNN có tiềm lực, có cố gắng nhưng sự phát triển đâu đó vẫn rất chậm. Vì vậy, cần phải có các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách mở ra để phát triển.
Thực tế, theo nhiều DN, hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc “bó chân” họ.
Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí, hiện, quy định trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư còn phức tạp, quá trình thực hiện phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… kéo dài quá trình chuẩn bị đầu tư, dễ phát sinh các sai sót.
Quá trình triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án còn chậm, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án…
Ngoài ra, nguồn vốn hạn chế cũng là cái khó lớn của các DNNN. Đại diện VNPT đưa ra thông tin, theo Báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số”, nguồn vốn của các DN Việt, đặc biệt các DN vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. 60,10% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh khó khăn lớn nhất của họ khi chuyển đổi số là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số.
Nguồn vốn ngân sách bố trí cho chuyển đổi số vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. Mức trung bình của Việt Nam hiện nay đang là 0,3% trong khi mức trung bình của thế giới là 2 - 3%, Singapore là 4 - 5%.
Trong đại dịch, nhu cầu sử dụng dịch vụ số tăng thì việc bố trí ngân sách để triển khai các dự án chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong năm 2021 gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, đầu tư công và chi thường xuyên từ vốn ngân sách năm 2021 bị cắt giảm nhiều so với đăng ký của các bộ ngành, địa phương, ảnh hưởng đến chương trình chuyển đổi số của địa phương và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN công nghệ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối thoại với DNNN ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng DN nói chung và các DNNN nói riêng.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả.
"Hiện tại, DNNN có nhiều nhóm khác nhau, gồm DN nhỏ, vừa và nhỏ, DN lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phạm vi khác nhau. Vì vậy, cần cơ chế “may đo” riêng thiết kế cho từng “phân khúc” DN. Chúng tôi mong, Chính phủ, Bộ ngành sẽ đối thoại, làm việc trực tiếp với từng nhóm để có cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn”" - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Viettel
"Hạn chế hiện tại là các quy định liên quan quản trị DN, quản lý vốn, tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, phù hợp theo thị trường. Trong khi quy định chưa thực sự phân cấp, trao quyền tự chủ, nên các DNNN không được làm hoặc không dám làm những việc đáng ra phải làm bình thường như một DN. Việc chậm trễ ra quyết định đã làm mất đi cơ hội, giảm đi hiệu quả hoạt động. Quy định tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, công tác quản lý chưa rõ ràng."- Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng