Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có khí thế, có hiệu quả, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) của Hội Nông dân (ND) Hà Nội đã có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút hàng triệu hộ tham gia. Cũng từ phong trào này, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Đây chính là động lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô.

Thi đua làm giàu

Với quy mô 7 sào, từ số vốn ít ỏi vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn vay ưu đãi của ngân hàng, gia đình anh Tạ Văn Tâm, thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức đã đầu tư trồng trên 200 gốc phật thủ. Trung bình mỗi năm, vườn phật thủ đem về cho gia đình anh từ 140 - 150 triệu đồng.

Đến nay, gia đình anh Tâm không những hoàn trả được toàn bộ số vốn gần 100 triệu đồng mà còn có thu nhập hơn một trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Tâm chia sẻ: "Để có thành quả này là nhờ sự hỗ trợ kịp thời về vốn, hướng dẫn về kỹ thuật của Hội ND thành phố".
 
 
Động lực xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1
 
Lãnh đạo Hội Nông dân Hà Nội thăm mô hình trồng phật thủ tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Bạch
 

Tương tự, với trên 100 giống lan, vườn lan hàng ngàn gốc của gia đình anh Nguyễn Hữu Nguyên, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức mỗi năm mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyên tâm sự: "Tôi muốn phát triển vườn lan nhưng vốn còn ít. Tôi mong các cấp, ngành, chính quyền địa phương giúp tôi và những hộ khác vay vốn, thuê mặt bằng, để tạo chuyển biến trong việc làm ăn".

Theo ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội ND thành phố, công tác hỗ trợ nông dân là một trong những nội dung quan trọng nhằm đổi mới phương thức hoạt động của Hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Chỗ dựa của nông dân

Sở dĩ phong trào SXKD giỏi của nông dân trên địa bàn có sức lan tỏa lớn, chính là do sự vào cuộc đắc lực của các tổ chức Hội ND. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn cho ND phát triển sản xuất với tổng dư nợ vay NHNN&PTNT đạt gần 150 tỷ đồng, dư nợ vay NHCSXH ủy thác đạt trên 896 tỷ đồng.

 Cùng với đó, để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, Hội ND thành phố đã phối hợp với Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) và UBND các quận, huyện tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống. Chỉ riêng năm 2012, Hội đã phối hợp tổ chức 30 buổi tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cho 3.600 cán bộ, hội viên…

Ông Khiết cho biết, thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, các cấp Hội đã tập trung vận động nông dân tích cực dồn điền đổi thửa, tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phong trào sản xuất nông nghiệp. Từ phong trào này, đã có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu được xây dựng và phát triển. Nhiều nhân tố điển hình là những gương nông dân sản xuất giỏi được vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú như hội viên Nguyễn Văn Hùng (huyện Sóc Sơn), hội viên Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai).              

5 năm qua, tổ chức Hội ND các cấp đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 17.346 buổi tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 1.754.354 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Tín chấp mua 26.874 tấn phân bón giúp hội viên phát triển sản xuất. Đào tạo nghề, dạy nghề cho 11.343 lao động. Xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp đạt hơn 360 tỷ đồng.