Được The Washington Post trích dẫn đầu tiên, tài liệu bị rò rỉ chứa bản ghi một cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và một sĩ quan cấp cao của nước này. Cuộc trò chuyện thảo luận về việc vận chuyển bí mật 40.000 tên lửa tới Nga. Ngoài tên lửa, đạn dược và thuốc súng cũng đã được thảo luận để chuyển giao cho Moscow. Tài liệu đề ngày 17/2.
Cairo là đối tác quan trọng của Washington trong khu vực. Trong những năm gần đây, quốc gia châu Phi này cũng đã nhận được vũ khí từ Mỹ. Mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ đến mức Ai Cập đã trở thành nơi đặt nhà máy xe tăng Abrams duy nhất bên ngoài nước Mỹ.
Ai Cập từng có kế hoạch mua máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E của Nga. Sau đó, Cairo đã hủy đơn đặt hàng, nhưng Nga được cho đã sản xuất một phần trong số đó. Theo một quan chức Cairo, lý do hủy đơn là vì máy bay gặp sự cố. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đã có áp lực từ Washington và mối đe dọa trừng phạt kinh tế theo Đạo luật CAATSA. Ai Cập sau đó đã mua 24 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon.
Một quan chức Chính phủ Cairo đã phủ nhận những tuyên bố trong các tài liệu bị rò rỉ mà Washington Post trích dẫn, gọi đây là "những thông tin vô nghĩa". Ông nhắc lại rằng Ai Cập là quốc gia tuân theo chính sách ngoại giao cân bằng với tất cả các nước trên thế giới.
Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng John Kirby cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Ông khẳng định Mỹ không nhận thấy dấu hiệu nào về việc Ai Cập đã cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Cairo.
Hơn 100 trang tài liệu mật của Mỹ, được tìm thấy trên Twitter, Telegram, Discord và các trang web khác trong những ngày gần đây, đã làm rung chuyển Washington và các đồng minh, đồng thời cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Vụ rò rỉ làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Moscow có thể thay đổi phương pháp liên lạc để che giấu kế hoạch của mình. Ukraine hôm 10/4 bác bỏ một báo cáo cho rằng vụ rò rỉ buộc Kiev phải thay đổi một số kế hoạch cho một cuộc phản công sắp tới.
Trước đó, một tài liệu được AFP trích dẫn đã nêu bật những lo ngại của Mỹ về khả năng Ukraine tiếp tục phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga, trong khi Washington Post đưa tin rằng một người khác bày tỏ nghi ngờ về sự thành công của Kiev nếu tổ chức một cuộc tấn công trong thời gian tới.
Về phía Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 12/4 nói rằng nước này không loại trừ khả năng vụ rò rỉ tài liệu mật là một động thái giả mạo của Mỹ nhằm đánh lừa Nga.
"Vì Mỹ là một bên trong cuộc xung đột (Ukraine) và về cơ bản đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại chúng tôi, nên có thể những kỹ thuật như vậy đang được sử dụng để đánh lừa đối thủ của họ là Liên bang Nga" - ông Ryabkov nói.