Ông Macron cũng đã triệu hồi Đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Lần gia tăng bất hòa này có gốc rễ từ một số chuyện xảy ra ở nước Pháp liên quan đến đạo Hồi. Cả Pháp lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của nhau trong NATO, vậy mà giờ xung khắc và đối đầu nhau như thù địch.Ông Macron có nhu cầu sử dụng những quyết sách mới để trang trải đối nội và nhận về cho nước Pháp vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở châu Âu chứ thực chất không nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã từ lâu xây dựng hình ảnh cho mình là người đặc biệt quan tâm tới tương lai của thế giới Hồi giáo nói chung và tình cảnh của người theo đạo Hồi ở châu Âu nói riêng, đồng thời xây dựng cho Thổ Nhĩ Kỳ hình ảnh là quốc gia bảo hộ quyền lợi cho người theo đạo Hồi ở châu Âu cũng như ở mọi nơi khác trên thế giới. Vì thế, người này không những không thể không biểu lộ quan điểm về những quyết sách mới của ông Macron ở Pháp liên quan đến đạo Hồi mà còn phải kịch liệt phê phán, bác bỏ chúng. Ông Macron phải phản ứng mạnh về những phát biểu của ông Erdogan để bảo toàn thể diện và giữ thế trong cuộc xung khắc với Thổ Nhĩ Kỳ trên một số lĩnh vực khác. Giữa Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đó đã xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản rõ rệt và bất đồng quan điểm sâu sắc về tình hình chính trị quân sự ở Libya cũng như về khai thác nguồn khí đốt ở khu vực biển Địa Trung Hải. Xung khắc mới kia chẳng khác gì dầu được hai bên đổ thêm vào ngọn lửa đối địch vốn đã bùng cháy lên rất dữ dội. Ông Erdogan còn cần mượn chuyện này để răn đe, cảnh báo EU và các nước thành viên khác. Ông Macron làm găng với Thổ Nhĩ Kỳ còn nhằm để định hướng phản ứng của cả EU đối với Thổ Nhĩ Kỳ.