Theo phân tích bệnh phẩm và các thực phẩm sử dụng tại tiệm bánh mì, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Trước đó, ngày 6/5, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Long Khánh).
Theo thông tin ban đầu, ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) đã bán hơn 1 nghìn ổ bánh mì thịt cho khách hàng.
Đến sáng 1/5, nhiều người trước đó đã ăn bánh mì của tiệm Băng có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.
Sau khi nhận được thông tin, UBND thành phố Long Khánh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, ghi nhận tiệm bán bánh mì thịt trên phục vụ khoảng 1.000 ổ/ngày.
Thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng kiểm tra, tiệm bánh mì không có Giấy phép kinh doanh, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các lực lượng chức năng đã lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì gồm: thịt nguội, dưa muối chua, chả lụa, thịt heo đã qua chế biến, pate gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại tiệm bánh mì này có 4 người làm việc trực tiếp không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có Giấy khám sức khỏe.
Liên quan đến vụ ngộ độc trên, ngày 7/5, ông Tăng Quốc Lập - Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh cho biết, UBND thành phố Long Khánh đã chuyển cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
Đến sáng 7/5 chỉ còn 124 bệnh nhân còn nằm theo dõi tại bệnh viện Long Khánh và bệnh viện Cao su Đồng Nai. Tất cả đều ổn định không có dấu hiệu nặng. Riêng ca nặng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang theo dõi chưa có chuyển biến. Các ca ở bệnh viện Nhi Đồng Nai đều ổn định, 1 ca nặng đã có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Vụ ngộ độc tập thể này đã khiến 568 trường hợp phải nhập viện khám và điều trị. Trong đó, hiện đang điều trị 300 trường hợp, chuyển viện 11 trường hợp, 138 trường hợp đã được xuất viện, cấp toa thuốc cho 119 trường hợp bị nhẹ điều trị tại nhà.
Được biết, vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Vi khuẩn này có thể gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Thông thường, thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn. Khoảng từ 18-36 giờ người nhiễm sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, ói mửa. Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần, trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Nhiều trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu.
Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý ăn chín, uống chín, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; bảo quản thực phẩm đúng cách.
Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.