Đồng Nai: Kêu gọi nhà đầu tư đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/1/2024, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai công bố đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện phát triển du lịch sinh thái nhiều tiềm năng tại tỉnh này.

Sinh cản thiên nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
Sinh cản thiên nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

Đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, tháng 12/2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030. Đây được xem là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - "lá phổi xanh" của Đông Nam bộ. 

Đây được xem là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam bộ. Nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách (chiếm 2%) và kêu gọi đầu tư (98%).

Phấn đấu đến năm 2030, thông qua hoạt động Đề án phát triển du lịch sinh thái sẽ thu hút 120.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú đạt trên 12.400 lượt, 111.600 lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 1.580 lao động. 

Nhiều nhà đầu tư du lịch quan tâm tham dự buổi công bố đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030.
Nhiều nhà đầu tư du lịch quan tâm tham dự buổi công bố đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030.

Huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên về văn hóa, đặc biệt là Di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng dân tộc Chơro.

Mục tiêu của Đề án là khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Đề án được thực hiện trên tổng diện tích tự nhiên trên 100 nghìn ha do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý, gồm diện tích có rừng và chưa có rừng; các hệ sinh thái chính và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên.

Các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai gồm: du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường; dịch vụ nhà hàng ăn uống, ẩm thực, mua sắm...

Đề án quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dịch vụ theo tuyến, theo chủ đề. Đồng thời, quy hoạch 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối.

Liên quan đến vấn đề môi trường, thông qua việc triển khai đề án góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn khu vực, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giảm thiểu sự tác động của người dân đến tài nguyên rừng.

Phấn đấu đến năm 2030, có 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường.

Ông Phạm Văn Mùi (Phó chủ tịch hội đồng tư vấn Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; nguyên Giám đốc khu bảo tồn này) cho biết: Tiềm năng du lịch Đồng Nai rất lớn nhưng chưa kết nối được các điểm đến và lợi thế. Vì vậy làm du lịch ở Đồng Nai vẫn có những thách thức và lợi thế. Nếu du khách đến được Đồng Nai và giữ chân được họ cần đến sự nghiên cứu, đầu tư cho đúng.

“Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt, mang lại cơ hội cho những nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước đến với Đồng Nai”, ông Phạm Văn Mùi - Phó chủ tịch hội đồng tư vấn Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhìn nhận.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt, mang lại cơ hội cho những nhà đầu tư du lịch trong và ngoài nước đến với Đồng Nai”, ông Phạm Văn Mùi - Phó chủ tịch hội đồng tư vấn Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030 là căn cứ quan trọng để đơn vị thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng.

Tại buổi công bố Đề án, những nhà đầu tư du lịch trong nước nêu nguyện vọng làm sao nhà đầu tư được thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch. Các quy định và thủ tục pháp lý về vấn đề xây dựng cơ sở phải được thống nhất, tránh việc chồng chéo thủ tục pháp lý gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đại diện nhà đầu tư du lịch cũng mong muốn vấn đề phát triển hạ tầng giao thông cần được tỉnh Đồng Nai quan tâm đẩy mạnh để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đồng Nai có nhiều cơ hội để phát triển lợi thế diện tích rừng rộng lớn, nhưng những hướng giải quyết cơ chế đầu tư du lịch, thủ tục pháp lý được nhanh chóng hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo cũng chia sẻ sắp tới đây sẽ được tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình thủ tục đầu tư thuê môi trường rừng để hoạt động du lịch sinh thái, cũng như tạo thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hoạt động du lịch. Đặc biệt là hạ tầng, các cung đường lớn quốc lộ, cao tốc đã và đang được thực hiện, tạo thế thuận lợi đáp ứng cho du lịch phát triển.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có diện tích trên 100.000 ha. Tại đây có hơn 1.550 loài thực vật và hơn 1.780 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm, đặc hữu. Nơi đây thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới.

Bên cạnh Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn có mặt nước của lòng hồ Trị An, phục vụ các mô hình du lịch giải trí thu hút du khách.
Bên cạnh Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai còn có mặt nước của lòng hồ Trị An, phục vụ các mô hình du lịch giải trí thu hút du khách.

Khu bảo tồn là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam. Năm 2011, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Khu Bảo tồn và Vườn quốc gia Cát Tiên có vai trò là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển.