Nỗi lòng công nhân xóm trọ đón Tết
Mùa xuân năm nay, gia đình chị Huỳnh Thị Điệp gồm vợ chồng và 2 con gái (ở trọ tại tổ 1, khu phố Đồng, phường Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) quyết định không về quê nhà (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang). Ngày 28 Tết, cả gia đình quây quần trong căn phòng trọ chật hẹp chừng 9m2.
Căn phòng trọ vẫn màu cũ kỹ tường vôi, không trang hoàng bất kỳ một chậu hoa tươi nào. Chị Điệp chăm chút kho một nồi nhỏ thịt heo, chị gọi là “có cái để ăn Tết”. Chị Điệp cho biết 2 vợ chồng đến ở trọ tại TP Biên Hòa đã hơn 10 năm. Hiện chị Điệp làm công nhân Công ty Taekwang Vina (đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa).
“Quê nhà ở tỉnh An Giang về rất xa, đi lại khó khăn, tình hình dịch bệnh đang còn phức tạp nên gia đình em cũng ngại. Đồng thời vừa rồi lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như TP Biên Hòa kêu gọi công nhân hạn chế về quê ăn Tết”, chị Điệp cho biết.
Còn căn phòng trọ nơi gia đình anh Nguyễn Quốc Cường (gồm vợ chồng và 2 con) đang ở, từ trong nhà ra ngoài cửa vẫn không hề có biểu hiện gì gọi là Tết. Anh Cường vừa đi ra chợ mua về 3 trái thơm, khoảng 1 kg cà chua cùng hành lá. Với số thực phẩm này, anh Cường cho biết sẽ cùng gia đình anh “trụ” qua khỏi những ngày Tết.
Nhìn trong góc nhà có 1 thùng bia, anh Cường chỉ tay tâm sự: “Tết nay nhà tôi không mua sắm gì. Năm vừa qua dịch bệnh Covid-19 công ty đóng cửa, tôi bị thất nghiệp mấy tháng. Cuối năm công ty chỉ tặng cho mỗi công nhân 1 thùng bia, không thưởng lương tháng 13, không bánh mứt như mọi năm”.
Ngoài lý do khó khăn về thu nhập trong năm vừa qua khiến gia đình quyết định ở lại đón xuân trong xóm trọ, anh Cường cho biết thêm 2 người con chưa được chích ngừa vaccine và sợ đi lại ngày Tết đông đúc không an toàn.
Sáng ngày 28 tháng Chạp, chúng tôi đi sâu vào những con hẻm nhỏ, nơi các công nhân lao động đang đón một cái Tết xa quê nhà. Không khí mùa xuân gần như mờ nhạt, những cửa phòng trọ hầu như không một chậu hoa tươi. Những gác bếp không nghi ngút khói bay nấu bánh chưng, bánh tét, luộc thịt…
Gia đình chị Phùng Thị Út (gồm vợ chồng và 3 con gái) quê ở huyện An Biên, tỉnh An Giang. Hai vợ chồng chị cùng làm công việc giữ nhà xưởng cho một công ty gỗ. Ngày cuối năm, trong căn nhà chị không hề có hoa, bánh mứt, thịt, rau củ quả… “Tôi định chút xíu ra chợ mua một ít cá về kho ăn Tết như ở dưới quê, chứ có gì để mà chuẩn bị nữa đâu!”, chị Út nói.
Khi chính quyền địa phương trao cho gia đình chị Út phần quà gồm gạo và một ít tiền, chị Út nói do không biết chữ nên chị nhờ con gái đầu lòng ra ký nhận quà thay cho mẹ.
Động lực lớn lao thúc đẩy phục hồi kinh tế
Anh Nguyễn Thọ Mạnh - chủ xóm trọ tại một khu phố thuộc phường Phước Tân, TP Biên Hòa cho biết, năm nay xóm trọ của anh có 21 phòng, hiện có một số người dân đã về quê, còn lại 11 phòng ở lại ăn Tết. Địa phương chọn lại còn khoảng 5 hộ gia đình có con đông, hoàn cảnh khó khăn nhất để tặng quà.
“Địa phương không chỉ quan tâm chăm lo, hỗ trợ quà cho công nhân lao động trong dịp Tết, mà ngay cả từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay họ luôn được hỗ trợ nhiều về thực phẩm, tiền… để đảm bảo đời sống”, anh Nguyễn Thọ Mạnh cho biết.
Bà Phạm Hoàng Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tân cho biết: “Địa phương có khoảng 2.400 phòng trọ công nhân lao động. Trong dịp này gần một nửa số công nhân không về quê, họ vẫn ở lại đón xuân trong những xóm trọ.
Phường chuẩn bị sẵn 1.250 phần quà (mỗi phần gồm 5 ký gạo và phong bì 200.000 đồng) để trao tặng cho họ trong ngày cuối năm. Trước đó phường cũng đã tặng 2.600 phần quà cho những hộ nghèo. Chúng tôi làm hết sức mình hỗ trợ cho người dân khó khăn, công nhân lao động trong dịp Tết đến xuân về”.
Trong những ngày cận Tết, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo các cấp địa phương đã nỗ lực quan tâm thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ cho hàng chục ngàn công nhân lao động trên toàn tỉnh. Đặc biệt là các địa phương như TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… nơi có nhiều công nhân lao động sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã kêu gọi người lao động ở lại cùng địa phương thực hiện khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. C
hủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đề nghị các sở, ngành, địa phương nắm chắc tình hình về số lượng người dân có nguyện vọng về quê, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động công nhân ở lại cùng tham gia phục hồi sản xuất.
Quá trình thực hiện phải gắn với tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để công nhân sớm được đi làm. Đối với những công nhân đã về quê từ nhiều tháng trước và những ngày gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị phải chuẩn bị phương án tổ chức đón người lao động quay trở lại Đồng Nai sản xuất.
Đồng Nai là địa phương có 31 khu công nghiệp (nhiều nhất cả nước) và hàng chục cụm công nghiệp, thu hút khoảng 1,2 triệu người lao động, trong đó khoảng 70% là người từ các tỉnh, thành khác đến làm việc, ở nhà trọ. Các ngành công nghiệp tại Đồng Nai đòi hỏi một lượng lớn người lao động tham gia sản xuất với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có lượng công nhân lên đến hàng chục nghìn người.
Do đó, công tác quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những công nhân lao động có một cái Tết đủ đầy, ấm áp tình người là một trong những động lực lớn thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.