Đồng Nai: Nỗ lực hỗ trợ công nhân lao động đẩy lùi tín dụng đen

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai và Công ty TNHH Lotte Finance vừa tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động. Hoạt động này nhằm góp phần cải thiện đời sống người lao động, đồng thời đẩy lùi nạn tín dụng đen hiện nay.

Đồng Nai với hơn 1,2 triệu công nhân lao động, phần lớn trong số này luôn có nhu cầu hỗ trợ các khoản tín dụng để giải quyết khó khăn cuộc sống
Đồng Nai với hơn 1,2 triệu công nhân lao động, phần lớn trong số này luôn có nhu cầu hỗ trợ các khoản tín dụng để giải quyết khó khăn cuộc sống

Nhiều gói vay ưu đãi

Theo đó, Công ty TNHH Lotte Finance có trách nhiệm đưa ra các gói phúc lợi phù hợp gồm các gói vay tiêu dùng ưu đãi, thẻ tín dụng dành riêng cho đoàn viên, người lao động làm việc tại Đồng Nai.

Đồng Nai với hơn 1,2 triệu công nhân lao động, phần lớn trong số này luôn có nhu cầu hỗ trợ các khoản tín dụng để giải quyết khó khăn cuộc sống
Đồng Nai với hơn 1,2 triệu công nhân lao động, phần lớn trong số này luôn có nhu cầu hỗ trợ các khoản tín dụng để giải quyết khó khăn cuộc sống

Các sản phẩm mà doanh nghiệp này triển khai trong gói phúc lợi, gồm: Hỗ trợ vay vốn đáp ứng các nhu cầu về mua sắm, sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện đi lại… với lãi suất ưu đãi.

Đại diện Lotte Finance cho biết, ngoài đẩy mạnh các chương trình phúc lợi dành cho người lao động qua những gói vay tiêu dùng ưu đãi, doanh nghiệp sẽ tham gia và hỗ trợ hoạt động phúc lợi do Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tổ chức dựa trên doanh thu của công ty hằng năm.

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tỉnh Đồng Nai hiện nay có trên 1,2 triệu công nhân lao động. Trong đó, phần lớn lao động nhập cư nên có nhu cầu cao về nhà ở, mua sắm, chi tiêu... nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhu cầu vay vốn để phục vụ cuộc sống của các công nhân, người lao động rất lớn.

Công nhân Lê Nguyễn Mai Thanh (Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam, đóng tại phường Hóa An, TP Biên Hòa) cho biết: “Rất nhiều công nhân trong khu nhà trọ của tôi đều có cuộc sống khó khăn. Nhiều công nhân lúc gặp khó khăn đau ốm hay mua sắm vật dụng thường phải đi vay mượn tiền với lãi suất cao. Vì vậy, chúng tôi cần các tổ chức phúc lợi giúp chúng tôi tiếp cận gói vay lãi suất thấp để giải quyết khó khăn, tránh thiệt thòi”.

Anh Hoàng Nhất (Công ty TNHH Pou Sung, đóng tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho hay, vì khó khăn nên anh vay “tiền nóng” một nhóm “xã hội đen”. Nhóm cho vay giữ thẻ ATM của anh, vì vậy hàng tháng, công ty trả lương là bị nhóm cho vay rút tiền trừ khoản vay.

“Hiện tôi đã giải quyết xong khoản “vay nóng” này. Nếu công nhân được tiếp cận những tổ chức, công ty tài chính hợp pháp thì sẽ giảm thiểu được vấn nạn “vay lãi suất cao”. Công nhân sẽ được tháo gỡ kịp thời khó khăn, ổn định cuộc sống” - anh Hoàng Nhất cho biết.

Công nhân Khu công nghiệp Long Khánh (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) sản xuất trái cây sấy khô
Công nhân Khu công nghiệp Long Khánh (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) sản xuất trái cây sấy khô

Hỗ trợ cải thiện đời sống người lao động

Theo ông Lê Đức Thụy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, hiện có khoảng 10% trong tổng số công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần phải vay mượn tài chính để giải quyết cuộc sống. Thế nhưng, người lao động lại không có tài sản thế chấp để vay tiền ngân hàng theo quy định. 

Nhiều công nhân khi gặp bệnh tật, đóng tiền học cho con… buộc phải tìm đến những nguồn vay không chính thống với lãi suất cao, gây bao hệ lụy. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều tổ chức, đơn vị thông qua vai trò bảo lãnh của tổ chức công đoàn đã triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính đối với công nhân lao động nhằm giải quyết khó khăn.

“Việc triển khai các gói phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động thật sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của công ty tài chính, người lao động. Việc hỗ trợ tài chính và mức sinh lợi bằng lãi suất với ngân hàng Nhà nước sẽ tốt cho người lao động” - ông Lê Đức Thụy nhận xét.

Ông Nguyễn Tấn Pháp - Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Chen Việt Nam nhìn nhận: “Với vai trò tổ chức công đoàn, tôi thấy những tổ chức phúc lợi nào cho người lao động vay với lãi suất thấp, phía công đoàn đều đồng thuận hỗ trợ. Hiện tại, Công ty Pou Chen đã kết hợp với vài tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công nhân vay giải quyết khó khăn. Vì vậy, tình trạng công nhân phải vay tín dụng bên ngoài với lãi suất cao cũng đã hạn chế”.