Đồng Ruble tăng giá sau can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/12, đồng nội tệ Ruble của Nga bắt đầu tăng giá dè dặt so với đồng USD và Euro...

Kinhtedothi - Ngày 17/12, đồng nội tệ Ruble của Nga bắt đầu tăng giá dè dặt so với đồng USD và Euro sau khi Ngân hàng Trung ương Nga công bố bảy biện pháp nhằm hỗ trợ khu vực tài chính.

Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng tuyên bố Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phối hợp hành động để ổn định tình hình trên thị trường tài chính.

 
Đồng ruble đã nhích lên sau khi ngân hàng trung ương Nga can thiệp. (Nguồn: www.therakyatpost.com)
Đồng ruble đã nhích lên sau khi ngân hàng trung ương Nga can thiệp. (Nguồn: www.therakyatpost.com)
Đồng Ruble bắt đầu ngày giao dịch 17/12 ở mức 72,7 Ruble/USD và 92,19 Ruble/Euro, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ hỗ trợ khu vực tài chính, đồng nội tệ Nga bắt đầu tăng giá trở lại và đạt mức 60,82 Ruble/USD và 75,90 Ruble/Euro vào lúc 18:05 giờ Moskva (22:05 giờ Hà Nội).

Gói biện pháp hỗ trợ khu vực tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga bao gồm hạn chế trần lãi suất đối với tiền gửi của người dân, mở rộng khả năng cho vay bằng ngoại tệ, cho phép các ngân hàng được sử dụng lãi suất cũ (thấp) trong một số trường hợp...

Các biện pháp trên chủ yếu nhằm hạn chế nguồn cung đồng Ruble, mở rộng nguồn cung ngoại tệ và kéo giãn "độ sốc" ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết thêm là riêng trong ngày 15/12 đã chi 1,96 tỷ USD can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ, nâng tổng số tiền can thiệp kể từ đầu tháng lên 10 tỷ USD.

Cùng ngày 17/12, Thủ tướng Nga Medvedev cũng đã họp với đại diện khối kinh tế của Nội các, Ngân hàng Trung ương và lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn nhất của Nga, trong đó bàn vấn đề tăng tái cấp vốn ngoại tệ cho các ngân hàng, đảm bảo cán cân cung và cầu ngoại tệ.

Thủ tướng Nga kêu gọi các công ty xuất khẩu nâng cao trách nhiệm trong khi bán doanh thu ngoại tệ, tránh không gây thiệt hại cho đồng Ruble. Ông Medvedev cho rằng tỷ giá đồng Ruble hiện nay không phản ánh đúng giá trị và đã xuống tới mức gây bất lợi cho nền kinh tế. Theo người đứng đầu chính phủ Nga, hai nguyên nhân khiến đồng Ruble mất giá phi mã như hiện nay là giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga.

Trong ngày 17/12, thị trường tài chính Nga cũng đón nhận một số phản ứng không lạc quan từ phía doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Chín ngân hàng thương mại của Nga đã tuyên bố tạm dừng cho vay thế chấp do Ngân hàng Trung ương tăng quá mạnh lãi suất cơ bản. Mức lãi suất cơ bản mới 17% sẽ khiến các ngân hàng này phải nâng lãi suất cho vay của mình lên ít nhất 20%/năm, mức này được đánh giá là vượt sức chịu đựng của khách hàng.

Một số doanh nghiệp chế biến nông sản của Đan Mạch cũng tuyên bố dừng hoạt động tại Nga kể từ năm 2015 và rút vốn khỏi nước này để tránh thiệt hại thêm từ tỷ giá đồng Ruble và lệnh cấm nhập khẩu nông sản châu Âu vào Nga.

Cùng ngày, ngân hàng Forex Bank của Thụy Điển cũng tuyên bố ngừng mua đồng Ruble, chỉ trừ trường hợp mua lại từ khách hàng đã mua Ruble của ngân hàng này trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần