Động thái "né" trừng phạt bán dẫn của Trung Quốc có hiệu quả?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỷ USD, tăng 70% so với 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trước khi các đồng minh của Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đang tăng cường dự trữ thiết bị để đảm bảo có thể mở rộng sản xuất chip. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đang tăng cường dự trữ thiết bị để đảm bảo có thể mở rộng sản xuất chip. Ảnh: Reuters

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỷ USD, tăng 70% so với 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết hàng nhập khẩu đến từ Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip khi họ hợp tác với Mỹ trong bối cảnh Washington tạo đà cản tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Các hạn chế đồng nghĩa người mua một số công cụ sẽ phải xin giấy phép từ chính phủ Hà Lan và Nhật Bản. Điều này gây lo ngại cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Cụ thể, Nhật Bản bắt đầu thực thi các hạn chế vào ngày 23/7, trong khi các hạn chế của Hà Lan sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9.

Mặc dù không rõ mức tăng nhập khẩu liên quan đến các công cụ sẽ bị hạn chế bao nhiêu, nhưng việc mua hàng cấp tập này cho thấy Trung Quốc muốn tránh bất kỳ sự gián đoạn nào đối với kế hoạch mở rộng sản xuất chip, theo giới quan sát. 

Với thiết bị nhập khẩu, các công ty Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sản xuất các loại chip kém tiên tiến hơn, không bị hạn chế bởi các hạn chế của phương Tây, FT nhận định. 

“Đây là một trong những phản ứng của Trung Quốc,” Lucy Chen, Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan cho biết. “Trung Quốc đã tăng lượng tồn kho thiết bị bán dẫn thông qua việc dự trữ trước để giảm bớt những tắc nghẽn tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng”.

Các tập đoàn Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International và Yangtze Memory Technologies phụ thuộc vào thiết bị từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản để sản xuất chip.

Danh mục công cụ trong dữ liệu hải quan bao gồm các thiết bị như máy in thạch bản và máy khắc để sản xuất chip nhưng không bao gồm các thành phần và vật liệu như tấm bán dẫn.

Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip Hà Lan của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong tháng 6 và tháng 7 so với tháng 5 do ASML giao thêm máy in thạch bản cho khách hàng Trung Quốc. ASML là một trong những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất thế giới. 

Giám đốc điều hành của ASML, Peter Wennink, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng trước rằng khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ về các công cụ để tạo ra những con chip kém tiên tiến hơn. Mặt khác, nhập khẩu các sản phẩm tương tự của Trung Quốc từ Nhật Bản cũng tăng lên. Một số công ty Trung Quốc bắt đầu mua thiết bị khắc và máy phủ wafer từ các công ty Nhật Bản sau khi Mỹ bắt đầu thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị chip vào năm 2020.