Thay đổi tư duy sản xuất
Với tinh thần "Chăm chỉ - tự lực - hợp tác", mô hình Hội quán Đồng Tháp hoạt động với phương châm nhất quán: 3 Không - 3 Tự - 3 Cùng (3 Không đó là: không tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất do Nhà nước trang bị; 3 Tự đó là: tự nguyện, tự quản, tự quyết định; 3 Cùng: cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng)
Từ khi ra đời cho đến nay, Hội quán Đồng Tháp đã khẳng định được vai trò quan trọng trong tham gia thiết lập cộng đồng dân cư theo xu hướng tự lực - bền vững, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân tham gia quản trị địa phương, tự bàn bạc, giải quyết câu chuyện của mình, xóm làng mình thay vì thụ động trông chờ vào chính sách và sự can thiệp quản lý của Nhà nước.
Hội quán Đồng Tháp đã phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân; thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, từ chỉ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Nương, Chủ nhiệm của Hội quán Làng bột Sa Đéc cho biết: Hội quán có vai trò bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; Gắn kết cộng đồng và duy trì, làm phong phú thêm văn hóa địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch địa phương; Đóng góp vào nền kinh tế địa phương; Thúc đẩy xuất khẩu và thương mại; Tiếp cận và bán hàng rộng rãi không chỉ trong nước mà xuất khẩu rộng rãi tới các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hội quán kết nối cung cầu để quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân. Liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra nông sản, phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, mời các nhà khoa học, các Doanh nghiệp tiêu thụ để gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với các Hội quán, các Hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đồng thời vận động tham gia các Hội chợ, các phiên chợ nông sản trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản.
Mô hình hay cần nhân rộng
Chia sẻ với Phóng viên, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Hội quán “Lấy con người làm trung tâm trong sự phát triển”. Phương châm “Dân biết, dân làm, dân thụ hưởng” thẩm thấu dần trên từng bước đi không ít gập ghềnh. Điều đó tuy không mới, nhưng Đất Sen hồng có cách làm khác hơn, tạo ra không gian người dân được tôn trọng, được đóng góp bình đẳng.
Trong khi đó, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường. Mô hình Hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, cùng trao đổi để thay đổi tư duy, cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích; Thực tế, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.
Qua 7 năm hình thành và phát triển, Đồng Tháp hiện có 144 Hội quán với trên 7.500 thành viên. Đặc biệt, từ nền tảng Hội quán đã thành lập mới 38 hợp tác xã, mở ra hướng đi mới theo mô hình kinh tế tập thể.
Dự kiến đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến sẽ có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao.
Trong thời gian tới, để mô hình Hội quán thực sự phát triển bền vững, theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người dân, thiết nghĩ cần thống nhất quan điểm, người dân tự thành lập các Hội quán, chính quyền là “cầu nối” để các Hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng hoặc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản xuất chứ không “nghĩ thay”, “làm thay" hay "chỉ đạo" hoạt động của các Hội quán, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.