Đột phá mới cho tái cơ cấu ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém đang được Chính phủ đốc thúc. Nhiều nhà băng có tiềm lực mạnh sẵn sàng gánh vác lộ trình phục hồi các ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng yếu kém có bến đỗ

Hiện 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) trong diện kiểm soát đặc biệt và 3 ngân hàng (được nhà nước mua lại với giá 0 đồng và giao cho các ngân hàng lớn điều hành) là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Còn với Ngân hàng Sài Gòn (SCB), từ giữa tháng 10/2022, NHNN đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Xăng dầu (PGBank) cũng thuôc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng Công ty Xăng dầu – Petrolimex không tiếp tục được đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có triển vọng mở rộng
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có triển vọng mở rộng

Việc xử lý các hàng yếu kém đã có bước tiến lớn. Sau khi OceanBank được MB và CBBank được Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo thì với DongABank được HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ. VPBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPBank.

Điểm chung của tất cả thương vụ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lần này là hình thức M&A khác hoàn toàn so với giai đoạn trước. Đó là sự kết hợp không theo hình thức “hôn nhân” giữa hai tổ chức tín dụng, mà là theo mô hình “mẹ bồng con”, nghĩa là các bên tách ra để tập trung giải quyết khoản lỗ và độc lập tài chính rồi mới tính đến chuyện sáp nhập.

Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con). Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Với các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc, theo như các kế hoạch được cổ đông và các ngân hàng bàn thảo, tổ chức tín dụng mà các ngân hàng mong muốn nhận chuyển giao sẽ được hoạt động độc lập, không bị “cõng nợ” ngay vào báo cáo tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - chuyên gia tài chính, nhìn nhận: Việc chuyển giao bắt buộc này xem xét sẽ thấy các ngân hàng đáp ứng trước hết yếu tố "khỏe" để là điều kiện tất yếu được chọn. "Cả Vietcombank, MBBank đều đang trong top đầu quy mô vốn, lợi nhuận, có nguồn lực xử lý nợ xấu, hệ số CAR và CASA cao và đặc biệt hoạt động kinh doanh tích cực, gắn với nhiều đối tượng khách hàng doanh nghiệp" - ông Hoàn nói.

Dù làn sóng M&A ngân hàng yếu mới chỉ ở giai đoạn đầu, song sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng lớn, hệ thống ngân hàng đang có sự khởi động đáng mừng. Trước mắt, sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn trong nước, bao gồm cả ngân hàng TMCP quốc doanh và ngân hàng TMCP tư nhân có tiềm lực, đang là cơ hội cho cả hai phía.

Lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh. Theo tính toán, MB chỉ mất 7 - 8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao bắt buộc, sau đó sẽ được xử lý theo 3 phương án: sáp nhập vào MB, bán cho nhà đầu tư khác, hoặc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để thành lập một ngân hàng mới.

Với trường hợp HDBank, có thể mở rộng thêm ở góc độ là một ngân hàng có kinh nghiệm về M&A, đã thực thi tái cơ cấu ngân hàng hậu sáp nhập rất thành công. 10 năm về trước, HDBank nhanh chóng sáp nhập thành công DaiABank. Ngay sau đó, HDBank tiếp tục mua lại một công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, tái cơ cấu và tạo thương vụ đáng chú ý trên thị trường với đối tác Nhật Bản.

Trọng tâm là nợ xấu và ngân hàng yếu kém

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng dưới 3%, đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, thông qua khuyến khích hợp nhất, sáp nhập (M&A) tự nguyện; xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững. Từ đó mới có thể hướng tới việc giúp hoạt động dịch vụ ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế và xã hội tốt hơn, theo một cách toàn diện.

Đề án triển khai thí điểm áp dụng theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025. Mục tiêu là năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.  Ngoài ra, còn có những mục tiêu lần đầu tiên được đặt ra theo yêu cầu phát triển, như phát triển các mô hình ngân hàng số, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, dịch vụ thanh toán hiện đại theo cách mạng công nghiệp 4.0, xanh hóa ngân hàng.

Sau chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ cho biết, năm nay sẽ tập trung triển khai, nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó, Thủ tướng giữ vị trí Trưởng Ban chỉ đạo. Đây là sự kiện đặc biệt, xác định tầm quan trọng của vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới của Chính phủ...

Có sự tham của Chính phủ cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng. Điều này đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp ngành ngân hàng chống chọi tốt hơn biến động bên ngoài đang ngày càng dữ dội hơn. Vì tình hình quốc tế đang có dấu hiệu căng thẳng, khi nước Mỹ đang bị kẹt giữa lạm phát và nguy cơ khủng hoảng ngành ngân hàng, làm dấy lên nguy cơ nước này phải hạ cánh cứng, tức suy thoái sâu để lấy lại sự ổn định.

Do Chính phủ là bên tiếp xúc trực tiếp với tình hình kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư hạ tầng (sân bay, đường sắt tốc độ cao), … đây là những ngành tạo ra động lực rất lớn cho tương lai đất nước. Do đó khi có Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra được những chỉ đạo/chính sách phù hợp, kịp thời, giúp hệ thống tín dụng “biết đường” mà hướng dòng chảy tín dụng vào nhóm ngành nào có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn qua quá trình cơ cấu lần này sẽ giảm được số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới. Đồng thời lên dây cót, tìm phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề, khó khăn trong xử lý nợ xấu.

 

Trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn tới là phải tập trung giải quyết nợ xấu. Muốn vậy, Quốc hội cần sớm ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu. Ngoài ra, ngành ngân hàng phải tạo được đột phá về quản trị, giải quyết dứt điểm bài toán sở hữu chéo. Đồng thời, phải tập trung giải quyết rốt ráo các ngân hàng yếu kém, củng cố chất lượng các ngân hàng nhỏ và vừa. (TS. Lê Xuân Nghĩa)

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần