Kinhtedothi - Chiều 14/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành, một số quận nội thành cũ về cơ chế cải tạo, xây dựng lại và quy hoạch chung cư cũ trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch chỉ đạo, trong thời gian tới, quy hoạch sẽ là khâu đột phá trong cải tạo chung cư cũ. Theo đó, Nhà nước sẽ làm quy hoạch và triển khai theo từng khu; không quy hoạch, cải tạo đơn lẻ từng đơn nguyên như trước đây.
Quy hoạch đi trước một bước Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Xuân Tùng cho biết, theo đánh giá của Sở, các dự án cải tạo chung cư cũ chủ yếu đang thực hiện đơn lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu tổng thể khớp nối cơ sở hạ tầng, không gian chung. Dự án Nguyễn Công Trứ, sau nhiều năm mới có một nhà cao tầng được triển khai xây dựng. Khó khăn, vướng mắc chung là hầu hết các khu nằm trong khu vực hạn chế phát triển, chịu tác động của các chủ trương, yêu cầu kiểm soát phát triển, hạn chế nhà cao tầng, giảm dân số trong nội đô. Chính sách quản lý có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu giảm dân số và tái thiết, gây ra áp lực cho cải tạo chung cư cũ. Các nhà đầu tư đều đề nghị xây dựng lại chung cư cũ với mật độ, chiều cao công trình cao hơn quy định cho phép.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước bỏ vốn ra làm quy hoạch là cách làm hay, kiềm chế được việc xin điều chỉnh nâng tầng của nhà đầu tư. "Nhà đầu tư có rất nhiều "mẹo" để đưa ra phương án quy hoạch có lợi cho việc kinh doanh" - ông Lâm Anh Tuấn nói.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, về quy hoạch kiến trúc, nguyên tắc là phải làm đồng bộ, không manh mún từng tòa, không xử lý theo giải pháp tình thế. Cần chọn ra khu trọng yếu, nhiều nhà nguy hiểm như khu Giảng Võ, Thành Công để làm và phải đưa ra đích, tiến độ. TP sẽ đứng ra làm quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, từ đó có đề bài để kêu gọi nhà đầu tư. Phó Chủ tịch giao Sở QH - KT rà soát toàn bộ các nhà đầu tư đã thực hiện dự án, triển khai quy hoạch, xã hội học. Thời hạn 15/9 phải hoàn thành. Báo cáo cần nêu rõ hiện trạng công việc của từng nhà đầu tư đã thực hiện. Không được… mặc cả Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng không thể để tồn tại tình trạng doanh nghiệp mặc cả với dân về hệ số đền bù nhà tái định cư. Theo quan điểm của Sở Tài chính, để người dân tự mặc cả hệ số là rất bất cập, gây khó khăn cho công tác cải tạo chung cư cũ của TP. Thực tế, khi thị trường bất động sản còn sôi động, việc thỏa thuận hệ số đền bù tái định cư khi cải tạo chung cư cũ như một cuộc chạy đua. Và cuộc đua này đã để lại không ít hệ lụy. Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Lễ cũng cho rằng, việc chủ đầu tư và các hộ gia đình thỏa thuận hệ số đền bù nhà tái định cư là việc không còn phù hợp khi đã có yêu cầu khống chế tầng cao, giảm mật độ dân số. Để tháo gỡ nút thắt cho cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội đề xuất, TP cần rà soát từng khu, từng nhà, từng doanh nghiệp. Tiếp quản những việc doanh nghiệp đã làm, TP đứng ra xác định rõ khối lượng. Không thể làm quy hoạch theo trình tự thông thường, vì như thế không biết đến bao giờ mới có được các đồ án. TP cần đề nghị Bộ Xây dựng về thủ tục, trước mắt quy hoạch chỉ giải quyết vấn đề tổng mặt bằng, kết nối không gian, hệ số sử dụng đất, quy mô dân số. Từ đó có cơ sở, điều kiện để kêu gọi đầu tư, lập dự án. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích, vấn đề khó nhất của cải tạo chung cư cũ là cân đối tài chính. Đích của doanh nghiệp là lợi nhuận, vì thế không phải cứ doanh nghiệp thỏa thuận hệ số cao tại dự án nào đó là tốt. Doanh nghiệp nâng hệ số thì phải nâng tầng cao công trình, nhưng với yêu cầu của quy hoạch hiện nay thì TP không thể chấp thuận. Phó Chủ tịch cho rằng, cần phải xác định cải tạo chung cư cũ là việc khó nhưng cũng là công việc thường xuyên của TP, đòi hỏi tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm. Nguyên tắc là tháo gỡ dần những nút thắt, không thể kỳ vọng có được "bức tranh màu nhiệm" chỉ sau vài ba tháng.
Chung cư A11 Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Anh |
Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các sở, ngành để hoàn thiện Dự thảo chỉnh sửa Quyết định 48 về cơ chế cải tạo chung cư cũ. Về nguyên tắc cải tạo xây dựng chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp là trách nhiệm của UBND TP, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cư trú trong khu vực. Dự kiến, sẽ có một số điểm mới về quyền lợi của người dân như: người dân được tham gia góp vốn bằng tài sản chính là căn hộ; có hệ số ưu tiên nếu người dân di chuyển ra khỏi khu vực nội đô... |