Những kết quả đạt được trong 15 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội.
Nhân dịp này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến về những kết quả trong công tác xây dựng Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của Thủ đô.
Thưa Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó công tác xây dựng Đảng chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của Thủ đô. Theo nhận định của đồng chí, đâu là những điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của TP?
- Trước hết phải khẳng định, Nghị quyết số 15/2008/QH12 chính là dấu mốc quan trọng đã làm nên cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử, mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng. Trong 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị Nghị quyết đặt ra.
Với vị trí “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, hiện Đảng bộ TP Hà Nội có số lượng tổ chức Đảng và đảng viên lớn nhất cả nước. Đảng bộ
Hà Nội hiện có 50 Đảng bộ trực thuộc (30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã; 20 Đảng bộ khối và Đảng bộ trực thuộc Thành ủy); 2.275 Đảng bộ, Chi bộ cơ sở; 17.341 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và gần 47 vạn đảng viên (chiếm gần 10% đảng viên của cả nước).
Trong mọi thời kỳ nói chung, 15 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính nói riêng, Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là yếu tố quyết định để triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất của TP. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ (XV, XVI, XVII), Đảng bộ TP Hà Nội đều ban hành Chương trình 01-CTr/TU về công tác xây dựng Đảng, coi đây là chương trình xương sống, tiền đề để thực hiện các chương trình khác.
Dấu ấn nổi bật còn thể hiện ở việc Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các nghị quyết chuyên đề, Đề án về xây dựng Đảng, công tác cán bộ, như Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XV về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” và Kết luận số 67-KL/TU, ngày 10/7/2020 (Khóa XVI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU giai đoạn 2020-2025.
Sau hơn 11 năm thực hiện, toàn TP đã phát triển được 1.637 tổ chức Đảng, nâng tổng số tổ chức Đảng trong DN ngoài Nhà nước trên địa bàn TP là 2.270 tổ chức (tăng 1.39 lần); thành lập 30/30 Đảng bộ khối DN trực thuộc các quận, huyện, thị ủy; phát triển được 10.210 đảng viên mới (trong đó có 45 chủ DN tư nhân)...
Tập trung vào những hạn chế, yếu kém để khắc phục, Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 14/7/2017, về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố Hà Nội”, từ đó đã củng cố được cơ bản các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
Quán triệt sâu sắc tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra “Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân”, Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, lựa chọn các vấn đề mới, khó, những vấn đề Nhân dân quan tâm, các vấn đề nổi cộm, phức tạp để chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên tinh thần dân là gốc, làm trung tâm, đặt lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thực tiễn phát triển của Thủ đô đang tiếp tục đặt ra những thách thức mới, trong đó có việc lớn, việc mới, việc khó, phức tạp phát sinh. Điều đó càng đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm cao hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TP, thưa đồng chí?
- Đúng vậy, từ những kết quả đã có, trong tâm thế và ý thức không ngừng nỗ lực vươn tới, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XVII, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.
Nổi bật là Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động xác định 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện; đồng thời kiến nghị các cơ quan Trung ương triển khai 74 nội dung liên quan.
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương thông qua chủ trương Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện dự án khẩn trương, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Ngày 25/6 vừa qua, dự án đã chính thức khởi công, đánh dấu mốc quan trọng và chứng minh một con đường của “ý Đảng, lòng dân”.
Thành ủy Hà Nội cũng lựa chọn những việc khó, tồn tại từ nhiều năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo chuyển biến tích cực cho hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở. Cụ thể như tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, biện pháp xử lý đối với 712 dự án chậm tiến độ; cải tạo chung cư cũ; thí điểm một số mô hình như chính quyền đô thị, tổ chức sinh hoạt Chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên theo tổ Đảng ở các khu dân cư, khu chung cư và khu đô thị mới; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP (theo đó, thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính)...
TP Hà Nội đã ban hành và triển khai nghị quyết về ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Sau hơn 1 năm thực hiện, khoảng 1.000 công trình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới. Bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra.
Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng, nhân tố quyết định sự thành công. Vậy thưa đồng chí, hiện Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiệm vụ này ra sao?
- Đảng bộ TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ; chọn đây là một trong những khâu trọng tâm, có tính đột phá trong các nhiệm kỳ. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội thông qua công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn hơn; đã được thể chế và cụ thể hóa thành nghị quyết, các quy định, quy chế của Thành ủy, cụ thể như: ngay trong đầu nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” với những giải pháp mạnh, tạo bước đột phá về công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Đồng thời ban hành Quy định số 04-QĐ/TU, ngày 11/8/2021 về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17/11/2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố”; Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 14/3/2022 về công tác quy hoạch cán bộ và nhiều văn bản quy định về công tác cán bộ có liên quan khác. Đây thực sự là những văn bản quan trọng, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
TP cũng hướng vào những khâu quan trọng, có tính đột phá, liên thông như đổi mới công tác đánh giá cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ… Chính việc tập trung đổi mới toàn diện, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu của công tác cán bộ, đã tạo bước đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP Hà Nội.
Thưa đồng chí, vậy từ những kết quả đã có, những nhiệm vụ nào được TP Hà Nội đặt ra với công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới?
- 15 năm qua là quãng thời gian TP Hà Nội tập trung cao độ cho công tác xây dựng chiến lược phát triển mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong tâm thế và ý thức không ngừng nỗ lực vươn tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn luôn tự giác đánh giá, nhìn nhận khách quan về những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, từ đó xác định những giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Nhiệm vụ mới tiếp thêm quyết tâm mới – Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô theo Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP; Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 01-CTr/TU; gắn với thực hiện nghiêm các Nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy định mới về phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ…
Đồng thời tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Trung ương, gắn với kiểm soát quyền lực, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Qua đó thể hiện sự mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt, bản lĩnh, trí tuệ, sâu sát, cá thể hóa trách nhiệm và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nói đi đôi với làm.
Từ những kết quả đã có, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định tầm vóc mới, tâm thế mới, chủ động định hình con đường phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã trao gửi với quyết sách lịch sử 15 năm trước.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Với những đổi mới cả về tư duy và hành động đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ TP Hà Nội và cũng là thông điệp mạnh mẽ, lan tỏa tới các tổ chức Đảng phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực ngay từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó đặc biệt chú trọng đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; xác định, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, cấp thiết, để ưu tiên tập trung triển khai thực hiện, nhằm tạo những đột phá quan trọng trên các lĩnh vực, tạo nền tảng đưa Thủ đô và đất nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo.