70 năm giải phóng Thủ đô

TP Hồ Chí Minh:

Dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm 20 năm “lận đận”, đội vốn gấp 78 lần

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi động từ năm 2002, sau 20 năm lận đận, đến nay, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chưa thể triển khai dù đã 5 lần thay đổi tổng vốn đầu tư, từ 123 tỷ lên 9.600 tỷ đồng.

Dậm chân tại chỗ sau 20 năm “thai nghén”

Rạch Xuyên Tâm (bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài 8,2km là hệ thống gồm rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp và điểm cuối là sông Vàm Thuật. Nhiều năm qua, con rạch này hứng chịu đủ thứ ô nhiễm đổ xuống.

Rạch Xuyên Tâm là một trong những nơi ô nhiễm nhất TP Hồ Chí Minh do tập trung đủ các loại rác thải với bao nilon, hộp xốp, xác chết động vật... Dọc con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn.

Năm 2002, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm lần đầu được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt với kinh phí 123 tỷ đồng, dự án được giao cho Khu quản lý đường sông (thuộc Sở Giao thông Vận tải). Tuy nhiên, dự án được phê duyệt xong…để đó.

20 năm qua, người dân sống ven rạch Xuyên Tâm tại TP Hồ Chí Minh hết hy vọng rồi lại thất vọng trước thông tin quy hoạch, di dời, rồi cải tạo con rạch…
20 năm qua, người dân sống ven rạch Xuyên Tâm tại TP Hồ Chí Minh hết hy vọng rồi lại thất vọng trước thông tin quy hoạch, di dời, rồi cải tạo con rạch…

Đến năm 2016, UBND TP Hồ Chí Minh tái phê duyệt dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỷ đồng. Năm 2017, tổng mức đầu tư dự án tiếp tục tăng lên 8.600 tỷ đồng.

Tới năm 2021, dự án lại vọt lên khoảng 9.300 tỷ đồng vốn đầu tư, với dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng trong tờ trình mới nhất, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên 9.664 tỷ đồng. Như vậy, sau 20 năm dự án này đã tăng vốn đầu tư gấp 78 lần, từ 123 tỷ lên 9.664 tỷ đồng.

Điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này là, số vốn đã đội lên 9.664 tỷ đồng liệu đã dừng lại? Vì nếu tổng vốn của dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vượt quá 10.000 tỷ đồng, thì sẽ vượt thẩm quyền của TP Hồ Chí Minh, quyết định chủ trương đầu tư phải thông qua Quốc hội.

Trong suốt 20 năm qua, do hạn chế về ngân sách, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từng được giao cho tư nhân nghiên cứu và đã có nhà đầu tư tham gia. Nhưng do các yêu cầu không được đáp ứng nên nhà dầu tư đã rút lui và UBND TP Hồ Chí Minh đã chuyển hình thức đầu tư dự án này sang hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Tuy nhiên, từ năm 2020, luật Đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT nên TP Hồ Chí Minh đã chuyển sang hình thức đầu tư công. Cũng từ đây, rắc rối lại phát sinh khi nguồn vốn đầu tư trung hạn của TP Hồ Chí Minh không đủ để bố trí cho dự án này.

Đến nay, sau “năm lần, bảy lượt” lên kế hoạch, nhưng cuộc “đại di dời” hơn 21.000 hộ dân của hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch của TP Hồ Chí Minh vẫn “dậm chân tại chỗ”. Và thực tế là, sau 20 năm “thai nghén” dự án cải tạo, rạch Xuyên Tâm vẫn ô nhiễm, hàng nghìn căn nhà mục nát vẫn liêu xiêu hai bên bờ, chưa biết số phận sẽ “đi đâu về đâu”…

TP Hồ Chí Minh quyết tâm “lần cuối”?

Liên quan đến dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình lên HĐND TP này chủ trương đầu tư rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp với tổng vốn đầu tư 9.664 tỷ đồng.

Theo đó, tổng vốn thực hiện dự án là hơn 9.664 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP. Đối tượng thụ hưởng dự án là người dân sinh sống khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp.

Từ năm 2021-2025, TP sẽ chi khoảng 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.

Trước đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm nhằm đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực, kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến. Nước thải sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Phía đầu rạch Lăng sẽ kết nối vào hệ thống cống của dự án Tham Lương - Bến Cát, dẫn về nhà máy xử lý nước thải An Phú Đông, quận 12. Phía đầu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối vào hệ thống cống của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dẫn về nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.

Dự kiến dự án sẽ tạo kênh hở thoát nước bằng cách xây dựng kè bảo vệ bờ bằng cừ bê tông dự ứng lực, bề rộng lòng rạch 20-30, nạo vét sâu 3,5m. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ thống thu gom thoát nước thải có đường kính 1-2m. Đường giao thông ven rạch sẽ có hai làn xe mỗi bên. Dọc rạch là công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11ha.

Nói về mức độ quan trọng của dự án này, chính quyền TP cho biết, việc đầu tư dự án rạch Xuyên Tâm là cần thiết nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng sống của người dân và làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Dự án ngoài giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường còn giúp địa phương thu gom nước mưa, hạn chế ngập úng.

Đồng thời, sau khi hoàn thành, rạch Xuyên Tâm sẽ kết nối giao thông giữa các dự án có hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ đầu tư trong khu vực.

Trong khi đó, đa số người dân đang sinh sống quanh rạch Xuyên Tâm chia sẻ, dù muộn vẫn luôn hy vọng rạch sẽ sớm được hồi sinh để cuộc sống được tốt hơn. Việc hoàn thành dự án tại rạch Xuyên Tâm hứa hẹn sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho bộ mặt của 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hỗ trợ phát triển du lịch.