Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng sẽ được triển khai ra sao?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo lập báo cáo tiền khả thi Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP sẽ làm việc với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan để lựa chọn phương án phù hợp.

Lập báo cáo tiền khả thi dự án

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái thiết, chỉnh trang đô thị và phân bổ lại dân cư trên địa bàn quận trung tâm TP Đà Nẵng mà khu vực ga hiện hữu còn làm phát sinh nhiều bất cập, thường xuyên gây ùn tắc giao thông và tai nạn ngay trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên sau 20 năm, dự án vẫn dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu.

Gần đây nhất, ngày 20/11/2023, Ban Cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng có công văn báo cáo Thường trực Thành ủy xin ý kiến chỉ đạo về phương án di dời ga đường sắt. Hiện UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan lập Báo cáo tiền khả thi dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng sẽ làm việc với Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan để lựa chọn phương án phù hợp.

Trước đó, ngày 19/2/2021, Sở GTVT TP Đà Nẵng có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. Dự án đã được cập nhật vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/11/2021.

Ngày 26/8/2022, Sở GTVT TP Đà Nẵng có công văn báo cáo, đề xuất phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Theo đó, kiến nghị UBND TP thống nhất phương án di dời tạm ga Đà Nẵng, giao Sở GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện các phương án; các Sở và địa phương có liên quan phối hợp với Sở GTVT trong quá trình hoàn thiện phương án di dời tạm thời.

Ga Đà Nẵng hiện hữu làm phát sinh nhiều bất cập trong khu vực nội đô. (Ảnh: Quang Hải)
Ga Đà Nẵng hiện hữu làm phát sinh nhiều bất cập trong khu vực nội đô.
(Ảnh: Quang Hải)

Đồng thời kiến nghị UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét, có ý kiến, hướng dẫn các thủ tục sớm triển khai đầu tư dự án; giao Sở TN&MT rà soát lại toàn bộ hồ sơ đất đai tại khu vực ga Đà Nẵng, ga Kim Liên, Lệ Trạch và có báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể, đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có.

Tiếp đó, ngày 22/9/2022, Sở GTVT Đà Nẵng có quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu Tư vấn khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải là đơn vị trúng thầu.

Ngày 19/10/2023, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có ý kiến kết luận tại buổi họp nghe báo cáo phương án di dời ga đường sắt. Trong đó, giao Sở GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý về phương án di dời; phương thức đầu tư và nguồn vốn thực hiện phương án khai thác vị trí ga đường sắt hiện trạng tại đường Hải Phòng và toàn bộ tuyến đường sắt hiện trạng sau khi di dời làm cơ sở xem xét báo cáo Thường trực Thành ủy xin ý kiến trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo.

Đề xuất phương án tạm thời di dời ga

Theo UBND TP Đà Nẵng, dự án di dời ga Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm TP đã được xác định tại Nghị quyết 33-NQ/TW (năm 2003), Kết luận 75-KL/TW (năm 2013) và Nghị quyết 43-NQ/TW (năm 2019) của Bộ Chính trị cũng như các quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên hiện nay, nguồn lực đầu tư dành cho ngành đường sắt còn khó khăn, cùng với việc Chính phủ ưu tiên tập trung đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc nên dẫn đến kéo dài thời gian di dời ga Đà Nẵng đến vị trí mới theo quy hoạch.

 

Ga Đà Nẵng hiện trạng có tổng diện tích do ngành đường sắt đang quản lý 11,386ha, chiếm 1,2% diện tích đất quận Thanh Khê vốn có mật độ dân số cao nhất trong các quận, huyện của TP (20.226 người/km2). Không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái thiết, chỉnh trang đô thị và phân bổ lại dân cư trên địa bàn quận trung tâm TP mà khu vực ga hiện hữu còn làm phát sinh nhiều bất cập, thường xuyên gây ùn tắc giao thông và tai nạn ngay trong khu vực nội đô.

Nhằm từng bước cụ thể hóa triển khai dự án, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo nghiên cứu di dời ga Đà Nẵng trong giai đoạn chưa thể thực hiện theo quy hoạch, bảo đảm vừa ít tốn kém nguồn lực đầu tư trong giai đoạn trước mắt, vừa phù hợp với quy hoạch TP Đà Nẵng lâu dài.

UBND TP Đà Nẵng đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là di dời toàn bộ ga hàng hóa, hành khách và các công trình phụ về khu vực ga Kim Liên (quận Liên Chiểu). Phương án 2 là di dời phần ga hàng, công trình phụ trợ và các cơ quan đường sắt ra khỏi ga Kim Liên; phần ga khách ra vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có.

Trong 2 phương án được đề xuất, UBND TP Đà Nẵng đề nghị chọn phương án di dời toàn bộ ga hàng hóa, hành khách và các công trình phụ về khu vực ga Kim Liên (quận Liên Chiểu).

Theo đó, phương án này gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (do TP Đà Nẵng và Bộ GTVT phối hợp thực hiện) gồm cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên hiện tại thành ga khu đoạn đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa và 1,5 triệu khách/năm (lớn hơn lượng hàng và khách vận chuyển bằng đường sắt qua khu vực TP Đà Nẵng tại thời điểm cao nhất trong giai đoạn 2010 – 2022). Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 2.115 tỷ đồng; cần giải tỏa di dời khoảng 227 hộ.

Giai đoạn 2 (do Bộ GTVT thực hiện) hoàn thiện theo đúng quy hoạch (đến năm 2050) di dời ga hành khách ra vị trí tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang); tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga hàng hóa phục vụ vận chuyển hàng hóa khu vực TP Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu với quy mô khoảng 1,5 triệu tấn/năm.

Đối với diện tích đất khu vực ga Đà Nẵng hiện tại (113.879m2), quy hoạch chỉnh trang theo hướng trở thành đầu mối giao thông kết hợp dịch vụ, thương mại để khai thác có hiệu quả. Diện tích đất thương mại dịch vụ dự kiến sau quy hoạch (65% diện tích ga hiện tại) là hơn 74.000m2, có giá trị thương mại khoảng 5.372 tỷ đồng.

Đồng thời sử dụng quỹ đất dọc theo hành lang tuyến đường sắt sau khi di dời và quỹ đất đường gom chạy dọc hai bên đường sắt để xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) đi chung với đường bộ trên mặt đất nhằm kết nối giao thông từ khu ga Đà Nẵng mới về trung tâm TP, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu.