Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô mở ra một hành lang kinh tế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 10/6, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Các đại biểu nhận định, hai dự án là cần thiết và cấp bách, tạo ra không gian phát triển mới, gia tăng kết nối liên vùng.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng

Cơ bản nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn tỉnh Hưng Yên) nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Việc đầu tư sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung; có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng Đông, gia tăng kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn tỉnh Hưng Yên) nhận định, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn tỉnh Hưng Yên) nhận định, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách

“Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đó, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành các liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ từ miền núi đến đồng bằng”- đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng nhận định, dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai. Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư, giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu" là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này vào thời điểm hiện nay là phù hợp, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, các trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Để hai Dự án Vành đai này có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các đại biểu thể hiện sự đồng tình, việc đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí. Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Đề cập việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt nhất để các đường vành đai sử dụng được khoảng 100 năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… Vậy việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu. Rất mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai để triển khai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước. Vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. Trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho Nhân dân.

“Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này”- đại biểu nói.

Quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh một lần đối với cả hai Dự án, cũng như giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh với nút giao liên thông, bởi phương án này sẽ tránh được các tình huống phức tạp, gây mất ổn định đời sống cho người dân khi thực hiện giải phóng còn nhiều lần. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có biện pháp bảo đảm không tái lấn chiếm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị chọn phương án giải phân cách cứng như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để đảm bảo tiết kiệm diện tích sử dụng đất, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian thi công.

Đại biểu cũng cho rằng cần có đánh giá tác động việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn đầu mà Quốc hội đã ban hành. Đồng thời đề nghị rà soát, đánh giá kỹ về dự báo phân bổ lưu lượng xe trên toàn tuyến để có phương án đầu tư các phân đoạn có lưu lượng xe lớn, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Cần quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cơ chế phối hợp của các địa phương và các cơ quan liên quan. Ngoài ra, đối với phân chia các dự án thành phần, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm quản lý, điều phối dự án, xây dựng quy chế quản lý tổng thể dự án.

Về cách tiếp cận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị, trong thiết kế dự án, cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, với các tuyến giao thông hiện hữu nên cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để bảo đảm việc đi lại, làm ăn của người dân. Trong thi công thì cần có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nhận định, hai dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.

Theo đại biểu, về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu cho rằng, điều này khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, đề nghị cân nhắc vấn đề này.

Cho rằng đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần