Dù mới đang ở mức đề cương, nhưng Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 sửa đổi vẫn nhận được nhiều sự quan tâm và đóng góp ý kiến của giới chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như DN. Trong số 7 nhóm vấn đề chính được đưa vào sửa đổi, vẫn còn nhiều vấn đề đang gây tranh cãi.
Cần đưa Grab vào danh mục quản lý
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đánh giá, trong quá trình triển khai thực hiện Luật GTĐB 2008 cho thấy nhiều bất cập trong việc phân loại các hình thức kinh doanh vận tải này. Điều dễ nhận thấy nhất là sự chồng chéo giữa các loại hình vận tải trong hoạt động vận tải hành khách.
Điển hình, trong các loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô đang có sự chồng chéo giữa loại hình vận tải theo tuyến cố định và xe hợp đồng và giữa xe taxi với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Đặc biệt là sự xuất hiện của loại hình taxi công nghệ mà tiêu biểu là grab trong những năm trở lại đây đã làm xáo trộn hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam.
Điều đáng nói, vào thời điểm Luật GTĐB 2008 ra đời, loại hình vận tải này vẫn chưa xuất hiện, nên không có quy định nào về Uber, Grab trong văn bản luật. Trong khi đó, sự xuất hiện của taxi công nghệ đã gây ra sự cạnh tranh quyết liệt với taxi truyền thống, gây mất trật tự thị trường vận tải.
Mỗi xe cần có một mã số định danh và đó là mã duy nhất. Từ mã số này có thể thu phí không dừng, quản trị hành khách, định vị phương tiện. Trên cơ sở pháp lý này, Nhà nước có thể tạo ra cơ sở dữ liệu chung, thống nhất quản lý phương tiện. Các DN muốn kinh doanh cũng sẽ có nơi truy xuất thông tin về xe. Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Vận tải An Vui Phan Bá Mạnh |
Phân tích Dự án Luật GTĐB 2008 sửa đổi, Phó Giám đốc hãng taxi VIC Phạm Duy Kính nhận định, những nhóm vấn đề được đưa vào danh mục sửa đổi của dự án luật đều là vấn đề quan trọng và bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, trong Luật GTĐB sửa đổi cần quy định cụ thể cho hình thức vận tải ứng dụng công nghệ thông tin, mà tiêu biểu là Grab. Theo ông Kính, hiện nay, nhiều hình thức vận tải mới ứng dụng công nghệ thông tin phát sinh như Grab, Uber...
Thế nhưng trong Luật GTĐB 2008 lại không có quy định nào đối với những loại hình này. Điều này đã và đang tạo nên những sự cạnh tranh không công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ông Kính phân tích, sự không công bằng bắt nguồn từ việc taxi truyền thống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự ràng buộc của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong khi Grab, Uber, bản chất kinh doanh giống như hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống, tức là dùng ô tô đón khách từ nơi này đến nơi khác nhưng lại không phải chịu sự quản lý của các các cơ quan Nhà nước như taxi truyền thống. Điều khác biệt duy nhất chỉ là phương thức điều xe khi taxi truyền thống thực hiện đàm, còn taxi công nghệ là qua phần mềm điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sự khác biệt này không làm thay đổi bản chất của taxi công nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Băn khoăn với quy định cho xe thông minh
Nhóm vấn đề thứ 3 được đề cập đến trong Dự án sửa đổi Luật GTĐB 2008 là bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đổi với xe mô tô cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Ông Phạm Quang Vinh – đại diện Công ty phần mềm FPT đề nghị trong Luật GTĐB 2008 sửa đổi có quy định cụ thể cho loại hình phương tiện thông minh.
Những phương tiện giao thông thông minh như xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và hàng không, các phương tiện thông minh kết nối hệ thống điều khiển, không người lái... đang xuất hiện ngày một nhiều ở các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện và tham gia của những loại phương tiện này sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai.
Ông Vinh cho biết, để các phương tiện giao thông thông minh được hoàn chỉnh, cần có thời gian thử nghiệm và vận hành trong nhiều điều kiện khác nhau. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cụ thể về chính sách, bảo hiểm, hệ thông liên lạc... cho phương tiện thông minh để thuận tiện cho việc đưa loại phương tiện này tham gia giao thông trong tương lai gần.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng khẳng định, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, việc sửa Luật GTĐB 2008 cũng cần đặt trong bối cảnh mới. Luật cần được xây dựng có tính mở cao hơn, để không bó chặt khả năng sáng tạo, khả năng cải tiến về công nghệ và quy trình quản lý.