Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Quy hoạch: Chưa hết những băn khoăn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Quy hoạch sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan để bảo đảm phù hợp với Luật này.

Sửa 32 luật liên quan liệu có tính khả thi?

Tại phiên họp của UBTV Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến đề nghị cần phải giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các luật liên quan, rà soát, hủy bỏ những luật đã được thông qua nhưng trái với quy định Luật này để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo thống kê của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với Dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của Dự Luật theo hướng Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đồng thời, giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các luật thuộc danh mục...
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và nhiều ý kiến khác trong Thường vụ Quốc hội băn khoăn khi cho rằng, liệu khi sửa đổi, bổ sung 32 luật có phá vỡ tính hệ thống của pháp luật nước ta? Nếu sửa một luật nào đó mà nó lại đụng đến những vấn đề chung trong các luật thì có sửa lại lần nữa không.

Vẫn có những băn khoăn khi tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung.  Ảnh: Xuân Chính

Cũng băn khoăn về tính khả thi của luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, Dự Luật chưa làm rõ cách tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch chung, thời gian tích hợp bao lâu và tính khả thi, tác động trên thực tiễn của việc tích hợp này đối với điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù rất cao về khối lượng sản phẩm, hệ thống sản phẩm. Vì vậy, việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là rất khó khăn.
Từ thực trạng quy hoạch, xây dựng đô thị không đồng bộ, không tạo được tính kết nối, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, thực trạng này là do quy hoạch chưa phát huy hiệu quả hay do thực hiện quy hoạch không tốt. Từ đó, mới xem xét có cần sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan đến quy hoạch hay không?
Bảo đảm tính tích hợp
Đối với tính khả thi của việc sửa đổi 32 luật kèm theo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã hệ thống tất cả các luật, theo đó có 5 luật sửa 1 điều, 3 luật sửa 2 điều, 4 luật sửa 3 điều, còn lại chỉ sửa chữ "quy hoạch". “Nghe số lượng về luật phải sửa thì rất nhiều nhưng trên thực tế rất đơn giản là chỉ bỏ mỗi chữ "quy hoạch". Chúng tôi đã rà soát và đã xây dựng một kế hoạch, chương trình sửa luật của Chính phủ và đã khẳng định chúng ta làm được” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Nhưng do Dự Luật vẫn còn những ý kiến rất khác nhau, nên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại. UBTV Quốc hội cũng đưa ra quan điểm khẳng định đây là luật mang tính chất nguyên tắc, luật khung và luật bảo đảm để tính tích hợp, tính kết nối, khớp nối. Bảo đảm sự phối hợp, thống nhất quản lý quy hoạch, tránh hạn chế trước đây của quy hoạch, đó là cát cứ, lợi ích, chồng lấn của các ngành, các địa phương, làm cho hiệu quả đầu tư phát triển không đảm bảo. Luật Quy hoạch là luật điều chỉnh về mặt nguyên tắc các loại quy hoạch, không nên loại trừ một loại quy hoạch nào. Do đó, đề nghị xem xét lại phạm vi cho rõ. Đồng thời, phải nêu rõ hệ thống quy hoạch gồm cái nào, cái nào phụ thuộc cái nào, cái nào có trước cái nào, cái nào quyết định cái nào, thẩm quyền đến đâu.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là một thay đổi lớn, là một cuộc cách mạng, góp phần giải quyết được tất cả những bất cập của đất nước từ trước đến nay. Đồng thời giúp tiệm cận đến thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy, cách làm mới, triệt tiêu được tất cả những chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích của các bộ, các ngành, các địa phương đang bị cát cứ, chia rẽ.