Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên TP Hồ Chí Minh: Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý gần 2.900 tỷ đồng

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/12/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị xử lý gần 2.900 tỷ đồng và chỉ ra rất nhiều sai phạm khác về thẩm quyền, trình tự thủ tục…

Vốn đầu tư điều chỉnh tăng gần 30.000 tỷ đồng
Tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, đi qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, Thủ Đức, quận 9 của TP. Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương, trong đó đoạn đi ngầm (qua khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh) là 2,6km, phần còn lại đi trên cao là 17,1km.
 Vốn đầu tư điều chỉnh tăng gần 30.000 tỷ đồng
Theo quyết định số 1454 ngày 6/4/2007, tổng mức đầu tư được phê duyệt bởi UBND TP. Hồ Chí Minh là 17.388 tỷ đồng (đã làm tròn số) bao gồm chi phí xây lắp và mua sắm, giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án… Hơn 4 năm sau, ngày 21/9/2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định số 4480 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên thành 47.325 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu (năm 2007) công trình sẽ được đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2020.
Về tình hình thực hiện dự án, do đây là công trình xây dựng chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên chủ đầu tư, các bộ ngành chủ quản gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, đây cũng là công trình sử dụng vốn ODA của nước ngoài, phải tuân thủ đúng các quy định khác…
Theo báo cáo kiểm toán, việc UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên bởi quyết định 4480 (ngày 21/9/2011) từ 17.387 tỷ đồng lên thành 57.352 tỷ đồng là chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Vì, theo nghị quyết số 49 năm 2010 của Quốc hội, dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 35.000 tỉ đồng là dự án quan trọng quốc gia và sẽ phải trình Quốc hội xem xét.
 
Còn theo Luật xây dựng năm 2003, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ. Về trình tự thủ tục, việc UBND TP phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2017 sang năm 2019 cũng không đúng, vì dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm
Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh rà soát, báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án từ khi thực hiện đến nay; các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhất là các căn cứ pháp lý khi thực hiện dự án.
 
Đối với TP Hồ Chí Minh, rà soát, xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án, tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật để tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo đúng quy định pháp luật. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về những tồn tại, sai sót và có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Báo cáo giải trình về việc điều chỉnh tăng vốn của chủ đầu tư cho biết, việc tăng tổng mức đầu tư chủ yếu là do tăng giá nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006-2009 khiến tổng mức đầu tư tăng 40%; tăng khối lượng xây dựng do tăng lưu lượng hành khách khiến tổng mức đầu tư tăng lên 43%... Chẳng hạn, theo quyết định ban đầu, quy mô nhà ga Bến Thành là ga trung tâm có 2 tầng với diện tích sàn là 12.270m2. Sau khi cân nhắc đến tính, tính kết nối… quy mô đầu tư đã được điều chỉnh thành 4 tầng, diện tích sàn xây dựng tăng hơn 2 lần so (30.000m2) với quyết định ban đầu để đáp ứng chức năng ga trung tâm tích hợp trung tâm thương mại ngầm. Một nguyên nhân khác cũng khiến dự án bị tăng vốn đó là giá thiết bị tăng lên.
Về tài chính, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử hơn 2.898 tỉ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỉ đồng; nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng; giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96,5 tỉ đồng; xử lý khác là 2.648 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh phải xử lý theo kết quả kiểm toán 2.864 tỉ đồng.