Dự án nhà cao tầng phải có đủ chỉ tiêu đất giao thông

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà cao tầng ở các quận nội thành phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình cao tầng, chiều cao tối đa công trình trong khu vực nội đô lịch sử…

UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về vấn đề thực tế nhà cao tầng tại các quận nội thành vẫn mọc lên sau khi Thủ tướng chính phủ đã có lệnh dừng xây dựng từ năm 2010 và TP cũng đã có chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong khu đô thị  dẫn đến nhiều hệ lụy  như thiếu điện, thiếu nước, nguy cơ cháy nổ, ách tắc giao thông.
Các dự án nhà cao tầng trong nội đô phải tính toán đầy đủ các chỉ tiêu về đất giao thông. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay việc xem xét và phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình nhà cao tầng trong khu vực quận nội thành phải tuân thủ theo các quy định như:

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Trong đó, xác định khu vực nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2) là khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Bên cạnh đó, phải tuân thủ theo Quy hoạch phân khu đô thị có liên quan do UBND TP phê duyệt, trong đó đảm bảo tuân thủ quy mô dân số, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam hiện hành về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Ngoài ra, khu vực có quy mô diện tích khoảng 3,881ha thuộc địa giới hành chính tại 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam quận Tây Hồ phải tuân thủ Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được UBND TP ban hành tại Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 4/4/2016.

Đối với trường hợp dự án không đáp ứng được các quy định trên, TP không xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng và phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà cao tầng. Việc xem xét, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà cao tầng ở các quận nội thành phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình cao tầng, chiều cao tối đa công trình trong khu vực nội đô lịch sử (gồm 7 khu vực theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử: Khu trung tâm chính trị Ba Đình; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Khu phố cổ; Khu phố cũ, Khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Khu vực hồ Tây và phụ cận; Khu vực hạn chế phát triển).

Trong quá trình xem xét, thẩm định đồ án Quy hoạch chi tiết, quy mô dân số của các dự án được nghiên cứu, cân đối trong tổng thể khu vực nội đô, đảm bảo tổng quy mô dân số tại khu vực nội đô đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phân khu được duyệt, đảm bảo tuân thủ với quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng - QCXDVN 01:2008/BXD.

Ngoài ra, trong quá trình xem xét chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, TP cũng yêu cầu các dự án phải đảm bảo bố trí đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho dự án và khu vực xung quanh, tính toán đầy đủ các chỉ tiêu về đất giao thông đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, giảm thiểu tối đa khả năng ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ khi dự án đi vào hoạt động.

Theo UBND TP, việc quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính dân số sinh sống trong nội thành ngày một tăng cao, trong khi hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Cũng theo văn bản của UBND TP, trong những năm gần đây TP đã khẩn trương thực hiện các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, cầu vượt An Dương, mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển) làn đường phía dưới, đẩy nhanh tiến độ đường trên cao vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở), nâng cao chất lượng hệ thống xe bus, xe bus nhanh (BRT), phát triển hệ thống nhà máy nước mặt như: Sông Đuống, Sông Hồng, có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư khối tư nhân, các nguồn vốn khác đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: dịch vụ y tế, trường học, nhà máy nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, xử lý rác...từng bước hoàn thiện hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần