Dang dở
Nằm ở vị trí giữa cầu Đông Hà và đập ngăn mặn sông Hiếu, công trình cầu kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP Đông Hà (còn gọi cầu dây văng sông Hiếu, TP Đông Hà, Quảng Trị) được kỳ vọng mang lại diện mạo mới cho TP Đông Hà và thúc đẩy phát triển không gian phía Bắc đô thị trung tâm tỉnh lỵ.
Thế nhưng, sau 2 năm được dự kiến đưa vào hoàn thành, cây cầu dây văng vẫn chưa thể sử dụng. Ngoài việc chưa hoàn thiện các hạng mục còn lại thì nguyên nhân chính vẫn chưa có đường dẫn vào cầu.
Theo đó, công trình cầu kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP Đông Hà, kết cấu hệ dây văng có tổng chiều dài 327m, trong đó chiều dài cầu 210m. Cầu có sơ đồ nhịp (100+100m), nhịp chính có tháp cao 73m được mô phỏng theo hình dáng búp sen.
Chủ đầu tư dự án là Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị. Quản lý dự án là Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị (nay là Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị). Dự án có mức đầu tư gần 224 tỷ đồng, nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và Công ty CP Xây dựng công trình 525. Công trình khởi công tháng 4/2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật, kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm TP Đông Hà, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc triển khai xây dựng cây cầu dự kiến hoàn thành giữa năm 2021 nhưng đến năm 2022 cây cầu dây văng sông Hiếu cơ bản hoàn thành thì phương án đường dẫn 2 đầu cầu dây văng sông Hiếu mới được thống nhất.
Tuy vậy, đến thời điểm này hệ thống đường dẫn kết nối vào 2 đầu cầu vẫn chưa thể hoàn thành dù cuối năm 2022 UBND tỉnh Quảng Trị đã đã thống nhất bổ sung quy hoạch hướng tuyến dự án đường hai đầu cầu dây văng sông Hiếu (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) giai đoạn 1. Nghịch lý này khiến cây cầu hàng trăm tỷ đồng không thể phát huy được công năng, gây bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra đột xuất
Theo báo cáo của Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, tổng mức đầu tư đường hai đầu cầu dây văng sông Hiếu là 175 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2022-2026.
Trên cơ sở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của UBND tỉnh tại Quyết định số 3214/QĐ-UBND ngày 16/12/2022; Ban QLDA đã tổ chức lựa chọn nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2023 để triển khai các bước tiếp theo.
Thế nhưng, mới đây ngày 9/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã phải ban hành văn bản số 2792 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công trình cầu dây văng sông Hiếu.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, công trình cầu dây văng sông Hiếu đã cơ bản hoàn thành, hiện nay chỉ còn khoảng 200m đường 2 đầu cầu nối vào đường Hoàng Diệu và đường Bà Triệu chưa hoàn thành nên không thể đưa vào khai thác, sử dụng.
Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng của tỉnh được UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều lần tổ chức kiểm tra hiện trường để đôn đốc, thúc đẩy chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh và các đơn vị thi công, tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, vào ngày 5/6, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra đột xuất thì trên công trường không thấy nhà thầu thi công và đại diện chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị tư vấn giám sát không có mặt ở hiện trường để chỉ đạo.
Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án trong việc phối hợp chỉ đạo triển khai, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại để sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng cũng như không phát huy được hiệu quả đầu tư và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến yêu cầu đơn vị chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh và đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu khẩn trương, nghiêm túc triển khai thi công các hạng mục còn lại hoàn thành trước ngày 30/6/2023, đảm bảo theo đúng thời gian quy định. Tránh để mất vốn dẫn đến tình trạng thi công dang dở toàn bộ công trình, không đưa vào khai thác, sử dụng được.