Có thông tin cho rằng, sau những bất đồng quan điểm, hội đồng nghệ thuật và họa sĩ đã tìm được tiếng nói chung.
Họa sĩ “không đẽo cày giữa đường”Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2017, dự án này sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện giờ đã là giữa tháng 12, dự án mới khởi động trở lại. Ngoài 4 bức họa của các họa sĩ Hàn Quốc đã hoàn thiện, thì phần thực hiện của các họa sĩ Việt Nam dậm chân tại chỗ suốt một tháng. Thông tin cho rằng, thành viên hội đồng nghệ thuật và các họa sĩ bất đồng ý kiến, nhiều yêu cầu chỉnh sửa từ phía hội đồng không hợp lý. Mặc dù, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, lý do tạm dừng dự án là dành thời gian thử nghiệm màu sơn, màu vẽ. Các vật liệu này do Hàn Quốc tài trợ cho dự án, nên cần thời gian kiểm định có phù hợp với khí hậu Việt Nam hay không. Một trong những lý do nữa là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn - Chủ nhiệm dự án về phần tranh tượng của các nghệ sĩ Việt Nam bận đi công tác Hàn Quốc. Đến nay dự án khởi động lại vì khắc phục được những nguyên nhân trên, nhưng một phần là giữa họa sĩ Việt và hội đồng nghệ thuật đã có được sự thống nhất sau những tranh luận gay gắt. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng xác nhận với báo Kinh tế & Đô thị, có thời gian anh định rút khỏi dự án, hiện giờ, đã dự định tham gia trở lại trên tinh thần chỉnh sửa tranh có sẵn.
|
Dự án phố bích họa Phùng Hưng đang triển khai dang dở. Ảnh: Linh Anh |
Mấy ngày nay, dù tiết trời Hà Nội đang mưa rét, nhưng các họa sĩ Việt tham gia Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng đã hào hứng khởi động trở lại. Họ không ngại đội mũ, mặc áo mưa để triển khai tranh vẽ đã được lên ý tưởng trước đó. Theo nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn: “Chúng tôi sẽ giữ nguyên ý tưởng của mình và không làm cái việc “đẽo cày giữa đường”. Bởi điều cuối cùng nghệ thuật hướng đến là vì con người”. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh, 7 tác phẩm của Việt Nam không chỉ là mảng màu gợi nhớ những hình ảnh Hà Nội trong ký ức, mà còn hướng về tương lai với tinh thần phấn khởi, lạc quan mới. “Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2017” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn khẳng định.
Xây dựng cơ chế quản lý riêng“Dự án phố bích họa Phùng Hưng không chỉ là một công trình nghệ thuật, mà mục đích lớn hơn cả là nâng cao nhận thức của người dân về các công trình công cộng” - ông Phạm Tuấn Long khẳng định. Bởi muốn xóa bỏ cảnh đổ rác, bày bán thịt chó, lấn chiếm vỉa hè nên dự án này đã hình thành và triển khai. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đẹp lúc đầu, nhếch nhác về sau, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho phường Cửa Đông xây dựng quy chế quản lý công trình sau khi khánh thành. Cơ chế quản lý sẽ có nhiệm vụ duy tu thường kỳ, giao cho lực lượng đoàn thanh niên, hội phụ nữ đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, đây là dự án nằm trong vùng lõi di sản, nối với khu phố cổ, kề cận di sản Hoàng thành Thăng Long, nên một không gian di sản cũng phải được đảm bảo.
Dự án chỉ là 1/6 của con phố dài 1.200m, 18 vòm cầu trên tổng số 127 vòm cầu cổ, những gì đang diễn ra quanh 18 bức bích họa đó cũng đã đủ để người ta hi vọng nhiều hơn về một “phố vòm cầu” tại Hà Nội – nơi kết nối lịch sử và ký ức của TP với nghệ thuật đương đại trong không gian dành cho cộng đồng. “Phố bích họa Phùng Hưng khi hoàn thành sẽ là một không gian công cộng kết nối với phố đi bộ Bờ Hồ, khu phố đi bộ Đào Duy Từ… Chúng tôi muốn cùng nhau tạo nên một con phố đáng nhớ của Hà Nội bằng các tác phẩm nghệ thuật mang tính tương tác cao với người xem. Những không gian công cộng như thế sẽ khiến những con phố Hà Nội trở thành nơi trải nghiệm nghệ thuật và là TP đáng sống” - nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.