Dự án thế kỷ của Ấn Độ khiến Trung Quốc bất an?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án cầu đường sắt Chenab thiết kế đặc biệt cho quân đội sẽ là công trình thế kỷ uy hiếp đối thủ.

Chậm nhất vào tháng 1/2024 Ấn Độ sẽ khánh thành cầu đường sắt cao nhất thế giới Chenab ở Kashmir, dự án kéo dài suốt 15 năm, nhằm tiếp cận những vùng hẻo lánh cũng như tăng cường năng lực phòng thủ.

Cầu đường sắt Chenab sẽ giúp Ấn Độ tăng khả năng tiếp cận Kashmir và Ladakh – khu vực gần biên giới Trung Quốc. Ảnh: Getty
Cầu đường sắt Chenab sẽ giúp Ấn Độ tăng khả năng tiếp cận Kashmir và Ladakh – khu vực gần biên giới Trung Quốc. Ảnh: Getty

Nằm ở độ cao 359 m so với mặt sông Chenab, Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng cây cầu đường sắt này sẽ giúp vùng Kashmir thịnh vượng, Nikkei Asia đưa tin.

Đặc biệt, cầu Chenab mang lại nhiều lợi ích quân sự bởi nó đảm bảo khả năng tiếp cận trong mọi điều kiện thời tiết với Kashmir – tâm điểm tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan và Ladakh – gần biên giới Trung Quốc. Vì thế, cầu Chenab sẽ mang lại ưu thế cho siêu cường châu Á này trước các đối thủ cạnh tranh. 

Theo D.S. Hooda, cựu chỉ huy phía Bắc của Quân đội Ấn Độ: “Cây cầu này là nhân tố lật ngược thế cờ trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại, du lịch”.

Không chỉ đảm bảo tiến độ hành quân và vận chuyển vũ khí, cây cầu cũng giúp cư dân Kashmir vận chuyển táo và hàng hóa đến nhiều nơi khác.

Hiện chỉ có một đường cao tốc vào thành phố chính Srinagar, Kashmir. Nhưng tuyến đường này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lở đất, gây khó khăn cho cả người dân và quân đội tiếp cận Kashmir và Ladakh – hai khu vực thường xuyên diễn ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhiều thập kỷ qua.

Ấn Độ cũng sắp khánh thành hầm hai chiều dài nhất châu Á tại Zojila, nối Kashmir với Ladakh, nhằm cải thiện khả năng kết nối đến các vùng hẻo lánh và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hậu cần quân sự.

Nói về lợi ích lớn nhất cây cầu mang lại, Thiếu tướng Amrit Pal, cựu lãnh đạo hậu cần trong quân đội, cho biết: “Nếu như trước đây, các đoàn xe hậu cần phải mất đến 16 tiếng di chuyển từ Jammu đến Srinagar thì hành trình này sẽ chỉ kéo dài vỏn vẹn ba giờ sau khi cây cầu hoàn thành".

Kết cấu cầu Chenab cũng đáp ứng được những yêu cầu quân sự. Cấu trúc được làm bằng thép chống nổ đặc biệt dày 63 mm, với các cột bê tông được thiết kế để trụ vững trước các vụ nổ. Cây cầu này có thể chịu được động đất mạnh 8 độ richter và vụ nổ của 40kg TNT.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch tăng cường an ninh trên không cùng hệ thống giám sát và cảnh báo trực tuyến được lắp đặt trên chính cây cầu. Điều này nhằm bảo đảm không xảy ra sự cố đáng tiếc như năm 2019, khi một kẻ đánh bom tự sát nhắm vào đoàn xe chở lực lượng an ninh Ấn Độ trên Quốc lộ Jammu-Srinagar. Vụ việc khiến 40 sĩ quan của Lực lượng Cảnh sát Dự trữ Trung ương đã thiệt mạng.

Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Tư vấn Wilson Center, cho biết Chính phủ Ấn Độ rõ ràng muốn tăng cường an ninh cũng như củng cố biên giới thông qua cầu đường sắt này.