Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo đêm giao thừa khác lạ trên khắp thế giới

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Quảng trường Thời đại của New York đến bến cảng Sydney, các màn trình diễn nổi tiếng đêm cuối năm hầu hết chuyển thành các chương trình truyền hình, sự kiện online, thậm chí bị hủy bỏ vì dịch bệnh Covid-19.

Quảng trường Thời đại vào đêm 31/12/2019 - rạng sáng 1/1/2020, khi Mỹ chưa thành ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới.
Đại dịch chết người đã "thống trị" năm 2020, tiếp tục ảnh hưởng tới các lễ hội năm mới, buộc giới chức các nước phải hạn chế tối đa việc tụ tập đông người vào đêm cuối năm 31/12, dự báo những giao thừa khác lạ trên khắp thế giới.
Tại Mỹ, màn đếm ngược và thả bóng kèm lời chúc nổi tiếng tại Quảng trường Thời đại vẫn diễn ra, tuy nhiên sẽ không có đám đông reo hò, ôm hôn nhau như thường lệ. Vụ đánh bom vào Giáng sinh vừa qua ở trung tâm TP Nashville, Tennessee, cũng khiến chính quyền TP hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa. Các sòng bạc ở Las Vegas bị giới hạn ở mức 25%, khi các cuộc tụ tập công khai tại đây không được phép quá 50 người.
Buổi trình diễn pháo hoa tại Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức, đã bị hủy, và nước này thậm chí cấm bán pháo hoa cho người dân để tránh những đám đông thường tụ tập trên phố đêm giao thừa.
Màn bắn pháo giao thừa quen thuộc trên sông Thames ở London cũng bị khóa chặt, đúng vào đêm cuối cùng trước khi Anh chính thức "cắt đứt" với EU. Nhưng bù lại, tháp đồng hồ Big Ben, vốn đã im hơi lặng tiếng kể từ năm 2017, sẽ được khôi phục vào 0 giờ ngày 1/1/2021.
Pháo hoa đêm giao thừa ở London.  
Hà Lan đã chuyển bộ đếm ngược quốc gia từ công viên Amsterdam sang sân vận động bóng đá, nơi khán giả sẽ không được phép vào và pháo hoa thông thường sẽ được thay thế bằng "pháo hoa điện".
Ở Rome, Italia, pháo hoa vẫn được tổ chức, nhưng các buổi hòa nhạc theo phong tục tại các quảng trường công cộng đã bị hủy bỏ để chuyển sang các buổi biểu diễn được truyền trực tiếp. Đức Giáo hoàng Francis cũng lên kế hoạch ban phép lành Ngày Năm mới trong nhà để ngăn đám đông tụ tập.
Rio de Janeiro, Brazil, thì kết hợp màn pháo hoa với các buổi hòa nhạc ngoài trời và các bữa tiệc trên sân thượng ở khu phố Copacabana - nơi chỉ có cư dân tại đó mới được phép vào.
Ở Nga, các sự kiện công cộng, bao gồm cả tiệc đếm ngược, đã bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều khu vực. Nhưng cái gọi là "thủ đô đêm giao thừa" của đất nước, thành phố Kaluga ở phía Tây Nam Moscow, đang thu hút khách du lịch bằng một tuần lễ hội, bất chấp lời kêu gọi hủy bỏ của người dân nơi đây.
Chính quyền Ba Lan đã yêu cầu người dân không lưu thông từ 7 giờ tối ngày 31/12 cho đến 6 giờ sáng ngày 1/1. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố khóa cửa 4 ngày bắt đầu từ đêm giao thừa và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng lực lượng an ninh sẽ kiểm tra mọi khách sạn để ngăn chặn các bữa tiệc vi phạm.