Cụ thể, trong những năm gần đây, thị trường ô tô nói chung và đặc biệt là phân khúc ô tô du lịch nói riêng đang có sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng với thời kỳ "ô tô hóa" (Motorization) đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn.
Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ ngồi như hiện nay (trung bình 20 - 30%), đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân. Xu thế ô tô hóa sẽ được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự báo tới năm 2025, thị trường sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm.
Và đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ, và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.
Do vậy, để hỗ trợ cho ngành CNHT, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế, với quyết tâm tiếp tục tháo gỡ nút thắt cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về ưu đãi đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - 2024 (Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô).
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Đây được xem là những giải pháp mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bên cạnh những giải pháp đồng bộ khác như: Hạ tầng giao thông, chính sách tín dụng, chuyển giao công nghệ, chi phí bản quyền, chất lượng, bảo vệ môi trường...
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, từ đầu năm đến ngày 15/10, cả nước nhập khẩu 73.685 xe ô tô các loại với tổng kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD và trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 2,86 tỷ USD. Hiện, ngành Hải quan đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách đã được ban hành nhằm đồng hành cùng ngành CNHT ô tô ngày càng phát triển theo đúng mục tiêu đề ra.
Buổi tọa đàm này góp phần tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật mới (Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), tiếp tục lắng nghe, ghi nhận phản ánh từ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô về những khó khăn vướng mắc; kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ, tạo thuận lợi cho CNHT, thúc đẩy ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phát triển.