Du khách đến Bạc Liêu - Cà Mau tăng đột biến dịp Tết Dương lịch 2023

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Cà Mau - Bạc Liêu vừa qua đợt lễ hội lớn, nhưng lượng khách du lịch đến 2 tỉnh này dịp Tết Dương lịch vẫn tăng đột biến nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022.

Do thời gian nghỉ Tết Dương lịch trùng với thời điểm cuối tuần, thuận lợi cho du khách tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí ở khu du lịch, điểm tham quan nên lượng khách năm nay tăng mạnh.

Du khách đến Bạc Liêu - Cà Mau tăng đột biến dịp Tết Dương lịch 2023 - Ảnh 1
Cua - tôm, hai sản vật nổi tiếng vốn có của du lịch Cà Mau - Bạc Liêu
Cua - tôm, hai sản vật nổi tiếng vốn có của du lịch Cà Mau - Bạc Liêu

Lượng khách đến Cà Mau tăng 20 lần

Ngày 6/1, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, trong 3 ngày Tết Dương lịch (từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023) lượng khách tham quan đạt 14.929 lượt, tăng 20 lần, tổng thu du lịch đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 31 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù vừa kết thúc ngày hội cua Cà Mau, nhưng lượng du khách đến tỉnh này vẫn tăng cao so với cùng kỳ.
Mặc dù vừa kết thúc ngày hội cua Cà Mau, nhưng lượng du khách đến tỉnh này vẫn tăng cao so với cùng kỳ.

Theo đó, trong số 14.929 khách đến Cà Mau, có 2.374 lượt du khách đến với đất mũi...

Đáng chú ý, lượt khách lưu trú cũng tăng mạnh, khi đón hơn 5.183 lượt, tập trung nhiều tại các hộ du lịch cộng đồng ở Đất Mũi, một số điểm di tích và Vườn chim Tư Sự (huyện Thới Bình), điểm dừng chân Tư Tỵ (huyện Ngọc Hiển), điểm dừng chân huyện Phú Tân, huyện Năm Căn, sông Trẹm (huyện U Minh), thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), đầm Thị Tường (huyện Phú Tân),...

Du khách tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Du khách tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Ông Trần Hiếu Hùng còn cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành du lịch Cà Mau tiếp tục quan tâm phát triển về hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, đa dạng các hoạt động, các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng chống cháy nổ tại các điểm vui chơi giải trí, khu di tích, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.”

Mặt khác, phải đảm bảo bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng chặt chém khách du lịch, quản lý chặt khâu niêm yết giá... Đặc biệt siết chặt kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. “Tận dụng tất cả những điều kiện sẵn có như cảnh quan môi trường tự nhiên của hai hệ sinh thái mặn ngọt, kết hợp với sản vật thiên nhiên có sẵn nhằm tạo điểm nhấn để kéo dài thời gian lưu trú du khách” - ông Trần Hiếu Hùng nói.

Du lịch Bạc Liêu tiếp tục điều chỉnh để thích ứng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bạc Liêu đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tỉnh có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực). Chính vì vậy, ngành du lịch tỉnh này đã và đang có nhiều điều chỉnh thích ứng để phát triển, mà thành công của Ngày hội Văn hóa - Du lịch và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 vừa kết thúc đầu tháng 12/2022 là một ví dụ.

"Khách Tây" thích thú tham quan chùa Xiêm Cáng Bạc Liêu
"Khách Tây" thích thú tham quan chùa Xiêm Cáng Bạc Liêu

Thống kê của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho thấy, dịp Tết Dương lịch 2023 vừa qua, khách du lịch đạt khoảng 35.750 lượt. Trong đó khách nội địa đạt khoảng 34.000 lượt khách, riêng khách quốc tế khoảng 1.750 lượt. Tổng doanh thu đạt khoảng 25,5 tỷ đồng. Công suất khách sạn đạt khoảng 65% đến 75%.

Tính hết năm 2022, tỉnh Bạc Liêu đã đón tiếp gần 3,9 triệu lượt du khách, với tổng doanh thu ngành du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Bạc Liêu có xu hướng tăng trưởng mạnh, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về lượng khách du lịch.

Du lịch tâm linh đang là một lợi thế lớn của Bạc Liêu
Du lịch tâm linh đang là một lợi thế lớn của Bạc Liêu

“Bên cạnh việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù, Bạc Liêu đang quan tâm, quảng bá, hướng đến nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến, đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách” - ông Phạm Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.