Ngành khách sạn Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng sau đại dịch. Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng của du khách, nhiều cơ sở lưu trú đang lên kế hoạch tuyển dụng lượng lớn lao động nước ngoài trong những năm tới.
Tập đoàn Tokyu Resorts & Stays, một trong những thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản, đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần số lượng nhân viên nước ngoài trong các năm tới. Công ty này dự kiến nâng tổng số lao động nước ngoài từ 120 lên 580 người vào năm 2033, tăng 30% so với tỷ lệ 6% ở thời điểm hiện tại.
Với mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh, tập đoàn này nhận thấy chỉ dựa vào nguồn lao động trong nước là không đủ đáp ứng nhu cầu.
Theo đó, Tokyu Resorts sẽ tận dụng chính sách tiếp nhận lao động có kỹ năng của Nhật Bản để tuyển dụng thêm đầu bếp và phục vụ từ các quốc gia Đông Nam Á như: Philippines, Myanmar, Indonesia và Nepal.
Công ty này tiết lộ sẽ cung cấp ký túc xá và mạng internet miễn phí tại Nagano trong suốt quá trình đào tạo.
Seibu Prince Hotels Worldwide, công ty quản lý chuỗi khách sạn lớn của Nhật Bản, cho biết họ đặt mục tiêu tuyển dụng thêm 20% lao động nước ngoài trong năm nay. Những thực tập sinh sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức, được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và hỗ trợ 100.000 yên (gần 680 USD) cho hai chuyến về nước mỗi năm.
Mặc dù số lượng lao động trong ngành đã tăng 30.000 người với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Theo tập đoàn bất động sản Mori Trust, khách du lịch đến Nhật Bản sẽ tăng 38% trong năm nay, lên mức kỷ lục 34,5 triệu người.
Ngay cả khi nhu cầu về chỗ ở tăng lên, một số khách sạn vẫn phải để phòng trống do thiếu nhân viên để phục vụ.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Hiệp hội Du lịch Nhật Bản đã đề xuất Chính phủ xây dựng hệ thống hỗ trợ toàn diện để thu hút lao động nước ngoài, từ việc đơn giản hóa thủ tục đến cung cấp các chính sách ưu đãi.
Thêm vào đó, việc tăng mức lương cho người lao động trong ngành là vô cùng cần thiết để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch trên đà phát triển, song mức thu nhập bình quân lại thấp nhất trong tất cả các ngành, theo số liệu của Bộ Lao Động Nhật Bản.
“Ngành du lịch hiện nay chưa hấp dẫn so với các ngành khác do điều kiện và môi trường làm việc chưa đủ tốt. Chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi điều đó để thu hút nhiều người vào ngành hơn” - Asuka Sakurada, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp dịch vụ và Du lịch Nhật Bản chia sẻ.