KTĐT - Nếu đúng kế hoạch, vệ tinh thứ hai của Việt Nam, VINASAT-2, sẽ bay lên quỹ đạo vào giữa năm 2012. Công việc chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này đang được tiến hành khẩn trương.
Phóng viên đã phỏng vấn ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý Các công trình viễn thông, Tập đoàn viễn thông Việt Nam (VNPT) – chủ đầu tư dự án VINASAT-2 về vấn đề này.
Thưa ông, được biết vệ tinh VINASAT-1 đã dùng hết 70% dung lượng. Đó có phải là lý do khiến Việt Nam dự kiến phóng VINASAT-2 sớm hơn dự kiến?
Đó cũng là một trong các lý do chính. Khi phóng VINASAT-1, chúng tôi dự kiến 3 – 5 năm sau mới có vệ tinh thứ hai nhưng chỉ sau 1 năm đã dùng hết 70% dung lượng, dự kiến đến năm 2010 sẽ dùng hết 100%. Do vậy phải có vệ tinh bổ sung.
Ngoài ra, còn do sức ép giữ quyền sử dụng quỹ đạo vệ tinh ở vị trí được cấp. Đến 2010 chúng ta không có vệ tinh phóng lên vị trí này thì sẽ phải trả lại theo luật của Tổ chức liên minh viễn thông quốc tế (ITU).
Phóng vào thời điểm nào phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và việc thu xếp vị trí trên quỹ đạo.
Việc chuẩn bị cho Dự án VINASAT-2 được tiến hành đến đâu, thưa ông?
* VINASAT-2 có trọng lượng lớn hơn, công suất lớn hơn, dung lượng băng tần lớn hơn VINASAT-1, như vậy hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn. * VINASAT-2 củng cố cơ sở hạ tầng thông tin; giữ chủ quyền vị trí trên quỹ đạo; tăng cường khả năng kinh doanh khi VINASAT-1 hết dung lượng; củng cố an ninh quốc phòng, v.v… |
Chúng tôi đang tính toán nhu cầu về dung lượng trên vệ tinh; khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường; cân nhắc một số yếu tố như báo cáo khả thi, thu thập thông tin từ nhà sản xuất, xem xét hồ sơ, đánh giá hồ sơ, khả năng đàm phán vị trí quỹ đạo với các nhà khai thác khác ở các quỹ đạo lân cận, v.v…
Nếu không có gì thay đổi, dự kiến sẽ rất nhanh đi đến đàm phán và ký hợp đồng trong quý I năm 2010. Dự kiến giữa năm 2012 sẽ có vệ tinh thứ hai.
Ngoài VNPT, tập đoàn khác có thể làm chủ đầu tư dự án phóng vệ tinh?
Hiện nay, Chính phủ chủ trương VNPT tiếp tục làm chủ đầu tư dự án VINASAT-2 nhưng trong tương lai, không phải chỉ VNPT mà các doanh nghiệp khác cũng có thể có vệ tinh vì nhà nước có thể đưa vị trí quỹ đạo cho các doanh nghiệp khác.
Nhưng phải có tiềm lực mạnh vì việc đăng ký, đàm phán với các quốc gia có vệ tinh ở vị trí lân cận và ký hợp đồng chế tạo vệ tinh, đưa lên quỹ đạo là hết sức phức tạp. Phải là tập đoàn lớn, có đội ngũ chuyên trách mới đảm nhiệm được.
Theo tôi được biết, trước mắt chỉ có VNPT mới đủ tiềm lực để làm chủ dự án vệ tinh.
VNPT dự định chọn đối tác nào chế tạo vệ tinh VINASAT-2?
Chưa quyết định lựa chọn hãng nào chế tạo vệ tinh VINASAT-2. Việc lựa chọn có thể qua đấu thầu hoặc cũng có thể qua chỉ định. Một số ứng cử viên sáng giá có thể kể đến thuộc châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Tiêu chí để lựa chọn gồm: chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo (đảm bảo công suất, độ tin cậy, thời gian sống của vệ tinh, v.v…); tiến độ phải đảm bảo.
Còn vấn đề giá cả thì sao, thưa ông?
Về giá cả thì tùy từng thời điểm. Giá bảo hiểm, dịch vụ phóng thay đổi tuỳ vào từng thời điểm. Chẳng hạn thời điểm đó trên thế giới có một vài lần phóng vệ tinh không thành công thì tỷ lệ bảo hiểm sẽ tăng.
Vào thời điểm chúng ta phóng VINASAT-1, thị trường đang rất tốt. Do đó ta đã có được mức giá bảo hiểm tốt. Theo dự kiến ta phải bỏ ra 30.000 USD nhưng thực tế chỉ phải bỏ ra khoảng 20.000 USD tiền bảo hiểm. Thị trường lúc đó là như vậy.
Ông nhận định thế nào về khả năng nội địa hóa vệ tinh viễn thông của Việt Nam?
Tôi cho rằng rất khó. Đây là công nghệ cao, cần phải học hỏi từng bước. Trước hết, chỉ có thể nói chúng ta có điều kiện tiếp cận với công nghệ vệ tinh của thế giới.
Qua VINASAT-1, chúng tôi đã đào tạo được một đội quân thiện chiến cả về khoa học công nghệ và quản lý dự án.Các nhà sản xuất vệ tinh chủ yếu ở các nước có ngành công nghiệp phát triển.
Thị trường của VINASAT-2 là khu vực nào, thưa ông?
Tương tự như VINASAT-1. Hiện VINASAT-1 chủ yếu phục vụ khu vực Đông Nam Á, khu vực phía Bắc như Nhật Bản, Hàn Quốc, phía Nam như Úc, phía Đông như Hawaii.
VINASAT-2 có vùng dịch vụ tương tự VINASAT-1, có khả năng hỗ trợ VINASAT-1 rất tốt. Hiện ta tập trung vào thị trường nội địa là chính.