Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Cà Mau vẫn sẽ phấn đấu đạt tổng số khách du lịch 2.350.000 lượt ( tong đó có 13.000 lượt khách quốc tế) với tổng thu du lịch 3.480 tỷ đồng.
Nhiều khởi sắc năm 2023
Thông tin từ Sở VHTT&DL cho biết, trong năm 2023, Cà Mau đã có những đột phá nhằm tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, thương mại thuộc Chương trình xúc tiến du lịch 2023 và Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” như: Lễ Tri ân Quốc Tổ; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ; Sự kiện "Hương rừng U Minh"; Giải Marathon Cà Mau 2023 - Cúp PETROVIETNAM; Festival Tôm 2023, Hội nghị tổng kết hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, với chủ đề “Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững” và chuỗi các hoạt động liên quan...
Qua đó, đã tạo điều kiện kích cầu, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm và vui chơi, giải trí. Cũng chính nhờ các hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông đưa tin quảng bá rộng rãi, giới thiệu tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh đã giúp du lịch có nhiều khởi sắc, lượt khách đến Cà Mau tăng trở lại và dần đi vào ổn định, có bước phục hồi khá tốt sau dịch Covid-19.
Từ những giải pháp trên nên 2023 lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2.078.399 lượt, tăng 23,5% so năm 2022, vượt 19% kế hoạch năm 2023; tổng thu đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022, vượt 9% kế hoạch năm 2023.
Chiến lược lâu dài
Theo ông Trần Hiếu Hùng, năm 2024, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thúc đẩy ngành du lịch Cà Mau phát triển ngành cần có những chiến lược lâu dài. Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; hoàn thiện và triển khai hiệu quả Ðề án phát triển du lịch tỉnh pCà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình HÐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, để tạo động lực và thu hút đầu tư du lịch.
Mặt khác, phải đổi mới công tác quảng bá, truyền thông gắn với ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” theo hướng dẫn trong ngành du lịch.
Trong đó, tập trung nâng cấp phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chia sẻ sản phẩm du lịch trên các nền tảng số để du khách và doanh nghiệp dễ dàng tương tác, mua bán sản phẩm, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch trên nền tảng số.
Phát huy nội lực
Phát huy những thế mạnh năm 2023, ngành du lịch Cà Mau tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch năm 2024, chương trình, sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến” năm 2024, lồng ghép các chương trình khác ở địa phương.
Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, đồng thời phối hợp cùng các tỉnh bạn trong chương trình liên kết tham gia các sự kiện về du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức. “Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ðồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, công nhận các đơn vị hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đủ điều kiện theo Bộ tiêu chí công nhận điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng” – ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hiếu Hùng trong năm 2024 sẽ được ngành du lịch Cà Mau sẽ tạo những điểm nhấn từ các chương trình du lịch mang màu sắc riêng của địa phương. Theo đó, Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” 2024 dự kiến sẽ được thông qua và đưa vào triển khai thực hiện trong tháng 3 này.
Thông qua chương trình sự kiện này, tỉnh Cà Mau hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương phong phú, đa dạng về tiềm năng, giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hoá nội địa, đặc biệt là hàng hoá đặc sản, sản phẩm OCOP.
Ðối với Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến” năm nay, ngành đã chủ động xây dựng, đề xuất các chương trình sự kiện cụ thể dự kiến tổ chức trong năm 2024, gồm Lễ Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ Tri ân Quốc Tổ, Tuần lễ Sách và văn hoá đọc, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IV, Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn, Sự kiện "Hương rừng U Minh", Giải Marathon Cà Mau, kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc...
“Với xuất phát điểm và vị thế vốn có, tin chắc ngành du lịch Cà Mau năm 2024 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Qua đó, đạt nhiều thành tựu vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” – ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.