Đó là ý kiến của các doanh nghiệp và Sở Du lịch Hà Nội tại Hội nghị Phát triển du lịch Văn hóa Quảng Tây và giao lưu hợp tác du lịch văn hóa giữa TP Nam Ninh và Thủ đô Hà Nội ngày 18/11.
Nam Ninh là TP đang phát triển mạnh ở phía Nam Trung Quốc, đồng thời là cửa ngõ giao thương quan trọng với Việt Nam và được xem như là một "thành phố xanh" của Trung Quốc. Vì vậy, TP Nam Ninh là một điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam.
Ở chiều ngược lại Thủ đô Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới là Hoàng thành Thăng Long, 21 di tích và 1 di sản tư liệu thế giới Văn Miếu - Quốc Tử Giám… là điểm thu hút du khách Trung Quốc đến Hà Nội để trải nghiệm khám phá nét đẹp văn hóa.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong những năm qua, hợp tác du lịch giữa hai nước ngày càng được tăng cường bền chặt ở cả phương diện cấp Trung ương và địa phương. Lượng khách Trung Quốc luôn chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, năm 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc đạt gần 0,8 triệu lượt, chiếm 16% tổng khách quốc tế có lưu trú. Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách du lịch Trung Quốc đến tham quan Hà Nội đạt gần 210.000 lượt, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế có lưu trú.
Tại hội nghị các doanh nghiệp du lịch cho rằng, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm đưa khách du lịch tới Việt Nam. Vì vậy, thông qua hội nghị hợp tác giữa ngành du lịch 2 TP Hà Nội và Nam Ninh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch Thủ đô quảng bá thu hút du khách Trung Quốc ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, hiện doanh nhiệp du lịch đang gặp một số bất cập trong việc cấp visa cho khách du lịch. Giám đốc Công ty CP Du lịch& Dịch vụ Hòn Gai Đỗ Xuân Ngoạn cho biết, trong khi Việt Nam đã mở cửa đón khách Trung Quốc thông qua việc hoàn thành từ thủ tục cấp Visa rất nhanh chóng, thuận tiện. Thậm chí có thể chủ động xin Evisa, kéo dài thời gian lưu trú điều này tại thuận lợi cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch.
Những ở chiều ngược lại, một số tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông từ đầu tháng 11/2023 cũng đã dừng cấp visa đoàn cho du khách Việt Nam, chỉ cấp visa đơn lẻ. Điều này đã khiến giá tour tăng cao nên doanh nghiệp khó tổ chức đoàn trao đổi du khách 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thời gian tới cơ quan quản lý Trung Quốc khôi phục lại cách thức cấp visa đoàn hoặc cấp tại cửa khẩu, qua đó tạo động lực thúc đẩy trao đổi khách 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc. “Để thu hút du khách Trung Quốc chọn Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng làm điểm đến, thời gian tới ngành du lịch Việt Nam nên đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá tại thị trường Trung Quốc”-ông Ngoạn kiến nghị.
Phó Trưởng phòng quản lý lữ hành Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Trọng Hòa thông tin, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, trao đổi khách 2 chiều, Sở Du lịch Hà Nội đã có chủ trương đề nghị Trung Quốc hỗ trợ về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính xuất nhập cảnh thuận tiện cho doanh nghiệp du lịch thuộc của TP Hà Nội nói riêng Việt Nam nói chung.
Đồng thời tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch thông hoạt động mời doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch, tham dự hội chợ, hội thảo du lịch do hai bên tổ chức.
Đặc biệt, hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch, hỗ trợ trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, điều hành, xây dựng sản phẩm, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam.
Tại hội nghị, Công ty CP Du lịch& Dịch vụ Hòn Gai đã ký kết biên bản hợp tác trao đổi khách với Công ty TNHH Lữ hành xã quốc tế Vận Đức Quảng Tây; đồng thời 2 doanh nghiệp tận dụng mọi nguồn lực và kênh quảng bá của doanh nghiệp để quảng bá tour và thương hiệu của đối tác.