Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội hiến kế để du lịch Hà Nam cất cánh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thu hút du khách đòi hỏi du lịch tỉnh Hà Nam đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành lân cận trong đó có Hà Nội. Cần xây dựng tour liên tuyến, có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất...

Đó là hiến kế của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam” do tỉnh Hà Nam tổ chức  sáng 18/10.

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam cho thấy: hiện nay, tỉnh Hà Nam là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch, cận kề với những điểm du lịch trọng yếu của đồng bằng sông Hồng như Chùa Hương (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Trần (Nam Định), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình)… với tài nguyên du lịch phong phú. Hà Nam có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, thể thao golf, văn hóa, trong đó, phát triển du lịch văn hóa là thế mạnh nổi trội, đặc biệt tại khu du lịch quốc gia Tam Chúc.

Doanh nghiệp du lịch thuộc CLB Lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát chùa Cây Thị (Hà Nam). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch thuộc CLB Lữ hành Unesco Hà Nội khảo sát chùa Cây Thị (Hà Nam). Ảnh: Hoài Nam

Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” và “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”.

Mặc dù đã được nhiều du khách chọn Hà Nam làm điểm đến nhưng theo các chuyên gia, lượng du khách này chưa tương xứng với tiềm năng mà Hà Nam đang có. Nguyên nhân, là do hạ tầng du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển… khiến du lịch Hà Nam chưa thể bứt phá mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt.

Hiến kế để du lịch Hà Nam cất cánh, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ: để thu hút du khách đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nam, đòi hỏi ngành du lịch cần đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất như khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan. Để làm được điều này đòi hỏi tỉnh Hà Nam có thêm những cơ chế, chính sách về hạ tầng, diện tích xây dựng, qua đó thu hút vốn đầu tư cho ngành du lịch. 

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội ký kết hợp tác với tỉnh Hà Nam tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch Hà Nội ký kết hợp tác với tỉnh Hà Nam tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng: để thu hút khách đòi hỏi du lịch Hà Nam đẩy mạnh kết nối với các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, chú trọng kết nối với Hà Nội từ đó xây dựng những tour tuyến chung phù hợp với từng luồng du khách nhất định. “Thông qua việc xây dựng mối liên kết này sẽ tạo cơ hội cho du lịch Hà Nam trao đổi khách với Hà Nội và các địa phương khác”- ông Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.

Để du lịch Hà Nam cất cánh và phát triển bền vững, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh cần tăng cường quảng bá, đặc biệt chú trọng trên nền tảng số. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Bên cạnh triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng, Hà Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho du khách. Song song với đó là phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số...

Trước những đề xuất của doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết: thời gian tới, Hà Nam đang tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các cao tốc, dọc các tuyến có cây xanh, mặt nước tạo cảnh quan và nhu cầu check in cho du khách; Tăng cường nguồn lực đầu tư tu bổ các công trình tâm linh, hình thành, phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề chất lượng cao; Tập trung mời gọi các nhà đầu tư xây dựng những khu lưu trú đẳng cấp, thể thao chất lượng cao, nhất là thể thao Golf.

Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Bình Định, Hà Giang cùng các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và du lịch, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội...