Du lịch Hà Nội - Nhật Bản: Mở rộng cơ hội hợp tác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc bàn tròn “Xúc tiến đầu tư và du lịch Nhật Bản tại Hà Nội” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các chuyên gia đầu ngành du lịch Nhật Bản và Hà Nội cho rằng, quan hệ hợp tác, phát triển du lịch giữa hai bên đã bước lên tầng cao mới.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Qua hơn 43 năm, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sau khi hiệp định thương mại giữa hai nước được ký kết năm 2009. Gần đây, ngành du lịch Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tới du khách của xứ sở hoa Anh đào. Nhờ đó, năm 2015, Việt Nam đón gần 672 nghìn lượt khách Nhật và có khoảng 230 nghìn lượt khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản. Năm 2015, số khách Nhật đến Việt Nam xếp thứ 3, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường này còn rất nhiều tiềm năng với Hà Nội.

“Khoe” với người Nhật về tiềm năng du lịch của Thủ đô, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho hay: Từ lâu, Hà Nội trở thành điểm đến thu hút du khách quốc tế lớn nhất cả nước bởi vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thanh lịch. Hà Nội có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú với hệ thống hồ đẹp, cùng các khu di tích đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hà Nội đang nổi lên là địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí. Hình ảnh, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp lên trong mắt du khách và báo giới quốc tế. Liên tục 5 năm gần đây, tạp chí du lịch Smart Travel bình chọn Hà Nội là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Hay tạp chí Trip Avisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 8 thế giới năm 2016.
Hướng dẫn viên giới thiệu về đền Ngọc Sơn đến du khách Nhật Bản. Ảnh: Phạm Hùng
Hướng dẫn viên giới thiệu về đền Ngọc Sơn đến du khách Nhật Bản. Ảnh: Phạm Hùng
Đánh giá mức hấp dẫn của Hà Nội với du khách Nhật, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam Ando Kengo nhận định: So với các nước khác trong khối ASEAN, Hà Nội có khoảng cách gần nhất với khoảng 4 giờ bay. Hà Nội lại là cửa ngõ kết nối du khách Nhật Bản với các tỉnh phía Bắc Việt Nam nói riêng, các quốc gia ASEAN nói chung. Hà Nội và Nhật Bản đều có 4 mùa, nên người Nhật dễ dàng thích nghi. Đặc biệt, ông Ando Kengo rất ấn tượng với tình hình trị an của Hà Nội. “Thủ đô của các bạn có tình hình trị an rất tốt. Hai năm sinh sống tại đây, tôi chưa hề gặp vấn đề nào về an ninh. Thậm chí, tôi bất ngờ khi để quên điện thoại trên taxi, anh tài xế đã mang đến tận nhà trả cho tôi. Tôi nghĩ rằng, trải nghiệm này không dễ tìm được ở TP khác” - ông bày tỏ.

Hơn thế, vị Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam còn bị các món ăn Hà Nội mê hoặc. Ông chia sẻ: “Phở Hà Nội rất tuyệt vời, đến mức hầu như ngày nào tôi cũng ăn món này. Tôi có cảm giác người Hà Nội rất khéo tay bởi món Nhật tại đây không hề thua kém so với đồ ăn chế biến tại Nhật, mà giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá ở Nhật”. Đặc biệt, Phố cổ Hà Nội với 36 phố phường có lịch sử hàng ngàn năm với những con ngõ nhỏ, cửa hàng, quán ăn ngon… là không gian đặc biệt không dễ tìm thấy ở quốc gia khác, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn thế giới như hiện nay. Thế nên, khi có người thân, bạn bè từ Nhật sang Việt Nam, ông Ando Kengo thường dẫn họ đến Phố cổ ăn cơm và tham quan.

Và, một trong những lý do khiến ngày càng có nhiều du khách Nhật Bản đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung được Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai phân tích là: Hiện, Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30% bao gồm nhiều ngành nghề: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ. Nhiều công trình biểu tượng của Nhật Bản ở Việt Nam như cầu Nhật Tân, Nhà ga quốc tế Nội Bài. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Nhật Bản sẽ còn tiếp tục bắt tay cho sự phát triển của Hà Nội, cho sự hợp tác tốt đẹp của hai nước.

Cái bắt tay thêm chặt

Theo Chủ tịch Hiệp hội các khách sạn Nhật Bản Kimitaka Fujino, Việt Nam có số người đạt trình độ tiếng Nhật kỳ thi N1 cao nhất ASEAN. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để người Nhật đầu tư vào Việt Nam, trong đó có du lịch. Thời gian gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng chính sách visa và giảm giá tour cho du khách Việt Nam. Do đó, khách Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng lên 85% trong năm 2015 - đây chính là thị trường khách sang Nhật Bản tăng cao nhất. Tuy nhiên, số người Việt Nam sang Nhật Bản mới bằng 1/3 số người Nhật Bản sang Việt Nam. Năm 2015, mới chỉ có 860 nghìn người qua lại giữa hai nước là chưa tương xứng  với tiềm năng du lịch của các bên.

Giới chuyên môn nhận định, quan hệ hợp tác du lịch Hà Nội, Việt Nam với Nhật Bản thời gian qua đã thực sự bước lên tầng cao mới. Song, muốn lượng khách trao đổi giữa hai bên tăng trưởng mạnh, cần sự nỗ lực của cả hai phía. Về vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, DN Nhật hoàn toàn có thể an tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cải cách, lựa chọn những mô hình quản trị tốt nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang quyết tâm đạt được mục tiêu năm 2016 trở thành một trong 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN. Mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới. “Vậy nên, tôi đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia giúp sức, hỗ trợ Hà Nội xây dựng chương trình thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ” - ông Lộc nhấn mạnh. Mặt khác, Hà Nội có thế mạnh là trung tâm kinh tế, giao thương của khu vực phía Bắc, có tinh thần cầu thị và sát cánh cùng DN, sẽ là “mảnh đất” hấp dẫn của DN Nhật Bản. Ngược lại, Nhật Bản cũng luôn có chính sách ưu đãi đặc biệt cho du khách, DN Việt Nam sang Nhật du lịch hoặc hợp tác, đầu tư ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Các DN Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, vì tương đồng về văn hóa, lịch sử cũng như cơ hội hợp tác. Hiện nay, Công ty CP Thiết kế Aishokubutsu muốn được tư vấn cho Hà Nội về thiết kế hệ thống giao thông an toàn, quy hoạch và trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp cho TP, cũng như quy hoạch lại khu vực sông để phát triển du lịch. Công ty CP Vận chuyển Fukuyama mong hợp tác với Hà Nội trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ các thủ tục hải quan… trong chuỗi logistics. Đây cũng là những việc làm cần thiết của TP Hà Nội trong thời gian tới để thu hút khách Nhật.

Đáp lại thiện chí của phía Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Cùng với cả nước, Hà Nội luôn coi trọng và tích cực đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trên mọi phương diện. Hà Nội cam kết ủng hộ các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn lâu dài tại Thủ đô. Chính quyền, Nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng môi trường xanh -sạch - đẹp, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương của người lao động, cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Tin rằng, với cái bắt tay thêm chặt, du khách qua lại giữa hai bên sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung muốn tăng lượng khách Nhật Bản đến cần 3 điểm quan trọng. Thứ nhất, tạo ra mạng lưới du lịch gắn kết toàn Việt Nam, trong đó Hà Nội là trung tâm. Thứ hai, phải có sự hợp tác giữa Hà Nội với các vùng phụ cận, trong đó Hà Nội là hạt nhân. Thứ ba, sự giao lưu khách hai chiều phải được đẩy mạnh. Muốn vậy, chúng ta cần mở thêm đường bay thẳng từ Hà Nội đến nhiều địa phương khác của Nhật Bản để phục vụ du khách. Bởi Nhật Bản là quốc đảo, chúng tôi thường đi du lịch qua đường hàng không. Và giữa các cơ quan Nhà nước về du lịch, các tập đoàn, DN Việt Nam và Nhật Bản phải thường xuyên có các cuộc giao lưu, hội đàm. Có như vậy mới đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp tăng cường hợp tác hai chiều.
Cố vấn đặc biệt Cục Du lịch, nguyên Cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản Shigeto Kubo

 
Hiện có 1.540 DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan. Hai năm qua, số DN đầu tư vào Việt Nam tăng lên gấp đôi. Điều này cho thấy, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đang là “mảnh đất” được các DN Nhật Bản quan tâm. Dù vậy, muốn có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Hà Nội trong thời gian tới, các quy định về thủ tục nhập cảnh, giấy phép kinh doanh, thủ tục về thuế của các bạn cần đổi mới hơn, giảm các khâu phức tạp, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đồng thời, Hà Nội cần mở rộng liên kết với các tỉnh, TP lân cận để tạo ra mạng lưới phát triển thương mại, du lịch rộng, nhất là đồng bộ cơ sở hạ tầng. Hà Nội cũng cần chủ động xúc tiến, quảng bá đầu tư, du lịch để người dân và các DN Nhật Bản biết đến nhiều hơn.
Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam Ando Kengo
 

Từ trước tới nay, Hà Nội đã rất quan tâm đến việc kết nối, hợp tác với các địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong muốn. Tới đây, TP Hà Nội rất muốn tham vấn, học hỏi các mô hình liên kết giữa các địa phương của các chuyên gia, các DN Nhật Bản. Ông Ando Kengo rất yêu mến và am hiểu Hà Nội, cũng như tường tận sở thích của du khách Nhật Bản, nếu ông làm cố vấn cho du lịch Hà Nội, chắc chắn việc hút khách Nhật Bản đến Thủ đô của Việt Nam sẽ có những bước phát triển đáng kể. Nhật Bản và Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng. Trong đó, Nhật Bản có văn hóa hoa Anh đào, Việt Nam có văn hóa hoa Đào, mà hoa Đào của Hà Nội rất đẹp. Vừa qua, Nhật Bản đã tổ chức nhiều lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội và một số tỉnh, TP trên cả nước. Vậy thì, nên chăng, Hà Nội cũng tổ chức sự kiện “Lễ hội hoa Đào” tại Nhật Bản để quảng bá du lịch?
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc