Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Phú Quốc kỳ vọng bứt phá, trở thành kinh tế mũi nhọn

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), lượng khách nội địa đến với Đảo Ngọc giảm so với những năm trước dịch, tuy nhiên lượng khách quốc tế tăng đột biến. Địa phương đã và đang nỗ lực đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

Kỳ vọng bứt phá

Ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: Năm 2023, địa phương có 9/23 chỉ tiêu vượt, 10/23 chỉ tiêu đạt. Trong đó, có một số điểm nổi bật như tổng thu ngân sách trên 7.739 tỷ đồng, đạt 138,69% kế hoạch. Đây là lần đầu tiên tổng thu ngân sách của Phú Quốc đạt trên 7.000 tỷ, đóng góp vào gần 50% tổng thu toàn tỉnh. Tổng lượng khách du lịch tiếp tục đạt cao, đóng góp vào thành công chung của năm 2023, với 5,7 triệu lượt khách chiếm 67% tổng lượt khách du lịch cả tỉnh và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,79%.

TP Phú Quốc phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
TP Phú Quốc phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong tháng 1 năm 2024, tổng lượt khách du lịch ước đạt 502,5 nghìn lượt, trong đó, khách quốc tế 82.615 lượt người; Khách du lịch nghỉ qua đêm đạt 201.036 lượt; khách du lịch trong ngày (khách khu, điểm du lịch) 301.522 lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.599 tỷ đồng.

Tính đến nay trên địa bàn Phú Quốc có 321 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652,80ha; tổng vốn đầu tư khoảng 412.657,19 tỉ đồng (tương đương 18 tỉ USD).

Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm du lịch khám phá sông Rạch Tràm. (Ảnh: Hữu Tuấn)
Khách du lịch trải nghiệm sản phẩm du lịch khám phá sông Rạch Tràm. (Ảnh: Hữu Tuấn)

Ông Huỳnh Quang Hưng thông tin thêm, dự toán năm 2024 thu ngân sách 8.900 tỉ đồng; kế hoạch năm 2024 đón 3.5 triệu lượt khách đến Đảo Ngọc, trong đó khách quốc tế là 0.5 triệu lượt; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 15.441 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của địa phương.

Ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định: Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Địa phương đã đề ra mục tiêu tăng trưởng là 6,79%, mức phấn đấu 9,5% để đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Đồng thời, ông Lâm Minh Thành cũng nhấn mạnh đối với Phú Quốc, UBND tỉnh kỳ vọng sẽ có sự bức phá, nhất là huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP đạt từ 24.000 tỷ đồng trở lên, thu hút ít nhất 10 dự án mới. Về du lịch, kỳ vọng thu hút 6,5 triệu lượt khách du lịch để góp phần đạt mục tiêu 11,2 triệu lượt khách du lịch cả tỉnh, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cần tập trung triển khai nhanh các giải pháp phục hồi phát triển du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh.

Trở thành kinh tế mũi nhọn

Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: Việc kết nối các đường bay quốc tế đến Phú Quốc cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch phát triển từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Mỹ, Mông Cổ… Bên cạnh đó, Vietjet Air mở đường bay giữa Phú Quốc - Đài Loan, tần suất khai thác 7 chuyến khứ hồi/ngày tạo thêm nhiều cơ hội cho du lịch địa phương.

Du khách tham quan tại Đảo Ngọc. Ảnh: Hữu Tuấn
Du khách tham quan tại Đảo Ngọc. Ảnh: Hữu Tuấn

“Địa phương đang triển khai chuỗi hoạt động kích cầu, phát triển du lịch “Tôi yêu Phú Quốc – I Love Phu Quoc” quy mô toàn quốc và vươn tầm thế giới theo phương châm “đặc sắc – chuyên nghiệp – an toàn – sạch, đẹp – văn minh” ông Hưng thông tin.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Hiện tại sở đang lập đề Đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế”. Đồng thời, cơ cấu lại ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tín hiệu tốt từ khách quốc tế đến Phú Quốc, địa phương càng khẳng định vị thế của mình trong lòng du khách quốc tế. (Ảnh: Hữu Tuấn)
Tín hiệu tốt từ khách quốc tế đến Phú Quốc, địa phương càng khẳng định vị thế của mình trong lòng du khách quốc tế. (Ảnh: Hữu Tuấn)

Trong khi đó, bà Quảng Xuân Lụa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang khẳng định: Cần phải quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh; khu, điểm, tour, tuyến du lịch và các hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch của doanh nghiệp; liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, hình thành liên kết các tour, tuyến du lịch của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết hợp với các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài để mời gọi đầu tư phát triển du lịch và thu hút khách du lịch. Tăng cường hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

“Xây dựng thương hiệu du lịch, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và liên kết vùng; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường; tham gia các hội chợ quốc tế du lịch; nghiên cứu thị trường và đánh giá khả năng tiềm lực du lịch của tỉnh để lựa chọn kênh phân phối và áp dụng các hình thức xúc tiến sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch phù hợp. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, phát triển các tuyến du lịch đường bộ, đường biển và đường hàng không, các cửa khẩu” bà Quảng Xuân Lụa cho hay.

Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc có đặc trưng riêng, có sức hút mạnh mẽ với các hoạt động du lịch cũng như các điểm tham quan đa dạng, các nguồn cung cơ sở lưu trú phong phú, và dễ dàng tiếp cận. Tăng cường kết nối và sử dụng bền vững các tài nguyên sinh thái cho phát triển du lịch.

Phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng nhằm khai thác tối đa các giá trị cảnh quan sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc. Khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ được khai thác với các hoạt động du lịch như: câu cá; giáo dục cộng đồng; nghiên cứu khoa học; dã ngoại; đi bộ, dạo trong rừng; ngắm cảnh; các môn thể thao mạo hiểm như: dù lượn, leo núi; tham quan rừng; nghỉ ngơi sinh thái trong rừng. Phát triển cung cấp dịch vụ du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo quy mô trong nước và quốc tế. Du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa: Tận dụng, kết hợp các yếu tố nông nghiệp và văn hóa địa phương vào trải nghiệm của du khách.