Có chuyển biến tích cực
Sáng 20/4, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện các Nghị quyết (NQ) về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí đồng chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá, nhìn chung các NQ về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai nghiêm túc, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Du lịch Quảng Ngãi từng bước có thay đổi và chuyển biến khả quan, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch được cải thiện; một số mô hình du lịch cộng đồng được triển khai tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các dự án trong lĩnh vực này.
Giai đoạn 2016 - 2019, Quảng Ngãi thu hút hơn 3,6 triệu lượt du khách, đạt 116% so với chỉ tiêu NQ, trong đó khách quốc tế đạt 315.000 lượt, đạt 116% so với chỉ tiêu. Năm 2020 thu hút 453.000 lượt, đạt 41% so với chỉ tiêu, trong đó khách quốc tế 9.055 lượt, đạt 11% so với chỉ tiêu. Doanh thu du lịch giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3.400 tỷ đồng, năm 2020 đạt 504 tỷ đồng.
Sản phẩm du lịch Quảng Ngãi ngày càng đa dạng và nâng cao chất lượng, trong đó, du lịch biển đảo đã trở thành loại hình du lịch chủ đạo, góp phần phát huy tài nguyên kinh tế biển. Đặc biệt, Lý Sơn đã trở thành hạt nhân thúc đẩy du lịch của Quảng Ngãi phát triển.
Theo thống kê, Lý Sơn đóng góp khoảng 25% trong tổng lượt khách cũng như tổng doanh thu du lịch của tỉnh, được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh đầu tiên và là địa phương đầu tiên của tỉnh có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhiều vấn đề cần khắc phục
Mặc dù vậy, du lịch Quảng Ngãi còn khá nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ như: Hạ tầng giao thông yếu kém, sản phẩm du lịch yếu kém, đa dạng nhưng chưa hoàn thiện; các dự án chậm tiến độ, kéo dài chưa nhiều năm…
Đặc biệt, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thời tiết không thuận lợi đã khiến ngành du lịch chịu nhiều tổn thất. Lượt khách và tổng thu du lịch trong năm 2020 giảm mạnh là nguyên nhân làm cho cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng âm, mặc dù trước đó tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm, riêng năm 2018, các chỉ tiêu tăng từ 30 - 38%.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của Quảng Ngãi là -7,1% (chỉ tiêu NQ là 11,1%) và tổng thu du lịch là -3.9% (chỉ tiêu NQ là 14,1%).
Tại hội nghị, đại diện nhiều hãng lữ hành bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị để thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển.
Theo ông Phan Long - đại diện Daiviet Tour, hiện tại đầu mối bán vé tàu ra Lý Sơn là cảng Sa Kỳ, dẫn đến bất cập do doanh nghiệp lữ hành không chủ động được vé tàu cho du khách, do đó kiến nghị nên thực hiện xã hội hóa, để cho doanh nghiệp tự bán vé. Ngoài ra, tại Đảo Bé (Lý Sơn) còn xảy ra tình trạng tranh giành khách giữa những người làm dịch vụ xe ôm, làm mất hình ảnh đẹp về du lịch Quảng Ngãi.
“Đáng chú ý, hiện tại dịch vụ, sản phẩm du lịch Quảng Ngãi còn chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu, do đó phần lớn du khách chỉ đến 1 lần rồi không trở lại. Vấn đề này cần sớm có giải pháp khắc phục”, vị đại diện này cho hay.
Trong khi đó, ông Phan Như Đà Thành - đại diện Viettravel chi nhánh Quảng Ngãi bày tỏ: “Quảng Ngãi có rất nhiều điểm du lịch ấn tượng, định vị được đặc thù văn hóa như làng Gò Cỏ, Ba Làng An…, tuy nhiên giao thông trong những khu vực này lại không thuận lợi, xe không vào được. Do đó để phát triển du lịch thì hạ tầng giao thông phải đi trước”.
Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị Quảng Ngãi cần quan tâm, xây dựng nhà vệ sinh tại các điểm du lịch, thắng cảnh; bố trí biển báo đến các điểm du lịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, điểm lại 5 năm qua, du lịch Quảng Ngãi tốt hơn thời gian trước đó. Tỉnh đã có nhiều sản phẩm du lịch, có chuyển biến mới về tư duy trong cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, du lịch Quảng Ngãi chậm và phát triển kém hơn so với các tỉnh có điều kiện tương đồng.
“Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng… rất khó thu hút du khách đến với Quảng Ngãi. Không cần nói đâu xa, Bình Định phát triển vượt xa so với Quảng Ngãi”, ông Đặng Văn Minh nói.
Do đó, trong 5 năm tới, Quảng Ngãi cần phải đổi mới tư duy, phương pháp quản trị, quản lý điều hành du lịch; tập trung kêu gọi cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng đề ra.
Ông Đặng Văn Minh cho rằng, du lịch Quảng Ngãi đi sau, chậm hơn, nhưng từ đây lại có dư địa và điều kiện học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch từ nhiều nơi. Tuy nhiên, cần xác định rõ, phát triển du lịch không trông chờ vào nguồn lực nhà nước, phải khai thác nguồn lực ngoài nhà nước, từ doanh nghiệp, cộng đồng. Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội với những nội dung doanh nghiệp, người dân không làm được.
Từ thực tế hạ tầng quá yếu kém so với nhu cầu phát triển du lịch và so với các tỉnh bạn, trong thời gian tới, Quảng Ngãi phải tranh thủ mọi nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển lĩnh vực này. Trong 5 năm tới, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh sẽ tập trung thực hiện những dự án giao thông lớn, mang tính kết nối đến các khu, điểm du lịch.
“5 năm tới, có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đầu tư vào Quảng Ngãi, cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng, chắc chắn du lịch Quảng Ngãi sẽ có bước đột phá”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng.
Đặc biệt, Chủ tịch Đặng Văn Minh yêu cầu, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Xây dựng hình ảnh Quảng Ngãi cởi mở, thân thiện, tạo thiện cảm và ấn tượng tốt với du khách.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển đa dạng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu sản phẩm du lịch, có đặc trưng riêng; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi.