Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Quảng Ngãi: Quy hoạch chưa tốt, không thể có sản phẩm hay

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh: “Không thể quy hoạch tồi mà có sản phẩm tốt. Trong thời gian qua, quy hoạch của Quảng Ngãi kém nên không có sản phẩm chất lượng, không có nhà đầu tư chuyên nghiệp và đủ mạnh”.

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), vấn đề thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở Quảng Ngãi chưa đạt kết quả như kỳ vọng được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị sở, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân. 

Quang cảnh kỳ họp HĐND lần thứ 12.
Quang cảnh kỳ họp HĐND lần thứ 12.

Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 29/8/2022, trên địa bàn có 27 dự án đầu tư còn hiệu lực, với quy mô sử dụng đất hơn 588ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó: Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) có 9 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 213ha; tổng vốn đăng ký đầu tư trên 9.200 tỷ đồng; ngoài KKT Dung Quất và các KCN còn có 18 dự án với quy mô sử dụng đất khoảng 375ha; tổng vốn đăng ký đầu tư 5.800 tỷ đồng.

Trong số này, hiện có 7 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 1 dự án đang triển khai, 3 dự án chưa hoạt động, 16 dự án chưa triển khai xây dựng và đang trong quá trình triển khai các thủ tục sau chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Phần lớn các dự án du lịch khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai do liên quan đến đất công, tài sản công. Thực tế phần lớn các dự án du lịch được cấp chủ trương đầu tư trước năm 2018 nhưng đến thời điểm này chưa có luật quản lý tài sản công, dẫn đến việc trong quá trình thực hiện gặp rắc rối. Hơn nữa, việc tự thỏa thuận về đất với các hộ dân có trong dự án không đạt kết quả” - bà Ái cho biết.

Ngoài ra, theo bà Ái còn có một số nguyên nhân khác như: Các quy định có liên quan giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu còn có sự bất cập, nên các dự án chưa thể thuê đất và triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt. Năng lực dự báo thị trường, quản lý, vận hành của nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa có sự đột phá.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa có quỹ đất để chủ động kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá, đấu thầu thực hiện dự án; các sản phẩm du lịch hiện nay chưa thật sự đa dạng, đủ sức hấp dẫn và tạo sự lan tỏa trong việc cạnh tranh để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư.

Khu du lịch Thiên Đàng - một dự án "ì ạch" suốt 17 năm vẫn dở dang.
Khu du lịch Thiên Đàng - một dự án "ì ạch" suốt 17 năm vẫn dở dang.

“Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là đánh giá về điều kiện tiếp cận đất đai để dự án được thuê đất, đảm bảo quy hoạch trước khi triển khai các bước tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư không đảm bảo tính khả thi, chậm tiến độ sẽ được rà soát và kịp thời tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực của chủ trương đầu tư dự án để thực hiện lại theo hình thức đấu giá, đấu thầu” - bà Ái nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Không thể quy hoạch tồi mà có sản phẩm tốt. Trong thời gian qua, quy hoạch của Quảng Ngãi kém nên không có sản phẩm chất lượng, không có nhà đầu tư chuyên nghiệp và đủ mạnh”.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Minh dẫn chứng, các tỉnh lân cận như Bình Định, Quảng Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vì có quy hoạch bài bản. Tại Quảng Ngãi, không có vị trí quy hoạch nào tầm 2.000 ha, chủ yếu nhỏ lẻ 5 - 7 ha. Đây là vấn đề cần phải khắc phục.

“Hiện tỉnh đang làm quy hoạch và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Sau khi được Thủ tướng thông qua, việc kêu gọi đầu tư, thu hút dự án du lịch vào tỉnh sẽ có kết quả tốt” - ông Minh tin tưởng.