Du lịch tâm linh đầu Xuân quanh Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết đến, người Việt Nam có nhiều phong tục hay như khai bút, hái lộc, du xuân, mừng thọ…. Đi lễ đình, đền, chùa, phủ đầu năm mới dịp đầu Xuân cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người Việt để cầu ước một năm mới an lành, may mắn, sức khỏe, tài lộc đến cho mọi người trong gia đình.

Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch tâm linh vì số lượng khá lớn di tích văn hóa, lịch sử trên mọi miền đất nước. Đây cũng là loại hình du lịch có tiềm năng phát triển vì góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống trong khi vẫn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương.

Nếu như du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới gắn liền với hoạt động tôn giáo thì ở nước ta, du lịch tâm linh thường có mục đích hướng về cội nguồn, về lịch sử thờ cúng tổ tiên. Số lượng khách tham gia tour du lịch tâm linh tập trung nhiều nhất vào dịp cuối năm, một vài tháng đầu năm mới âm lịch và các thời điểm diễn ra lễ hội dân gian.

Là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 5.175 di tích, Hà Nội có lợi thế rất lớn trong định hướng phát triển theo hướng du lịch tâm linh. 

 
Đi lễ đầu năm tại đền Quán Thánh, đường Thanh Niên, Hà Nội. Ảnh Quang Hiếu
Đi lễ đầu năm tại đền Quán Thánh, đường Thanh Niên, Hà Nội. Ảnh Quang Hiếu
Theo ông Toàn, Giám đốc Công ty Du lịch Zenflower, ngày nay, người ta thường kết hợp giữa hành hương và du lịch nhằm thực hiện những hành trình đến những địa điểm thiêng liêng, có ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng. Bản thân hai chữ “hành hương” đã nói lên đầy đủ ý nghĩa về tâm linh và sự hướng thiện. 

Du lịch quanh Hồ Tây

Hồ Tây có thể được coi là một vùng di sản của Hà Nội. Từ xa xưa, các ngôi làng cổ quanh Hồ Tây đã tạo nên những di tích, danh thắng độc đáo của Thủ đô Hà Nội như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, đền Sóc, chùa Thiên Niên…

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây. Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). 

Tục truyền rằng, bà là Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ ly ngọc quý. Xuống hạ giới bà chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương.

Phủ Tây Hồ đã được cấp bằng di tích Lịch sử - Văn hóa năm 1996. Tại sân phủ có cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu vàng theo truyền thuyết Trâu vàng vẫn hay được người đời nhắc đến.

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam là chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên. Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993) giới thiệu chùa nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý Nam Đế (541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến thời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài nước.

Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong chùa được đúc bằng đồng đen cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam.

Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất ở Hà Nội, là một “bông sen ven Hồ Tây” được dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại Tằm Tang, có tên ban đầu là chùa Đống Long. Chùa có tên chữ là “Hoàng Ân tự”, vừa thờ Phật vừa thờ công chúa Từ Hoa.

Quần thể Chùa Hương

Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam gồm 18 đền chùa, hang động nằm rải rác ở 4 thôn Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá và Phú Yên thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa Hương có thể được coi là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút du khách nhất ở Việt Nam.

Quần thể Chùa Hương có rất nhiều đền, chùa và các di tích với không gian rộng lớn núi đồi, hang động, khe suối, rừng cây như suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù, chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan… Động Hương Tích có thể coi là trung tâm của quần thể di tích được phát hiện ra từ rất lâu nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới hình thành động thờ Phật. Ngay ở khoảng giữa động có một nhũ đá lớn gọi là “Đụn Gạo”, tiến sâu vào một chút sẽ có đường lên Trời và một lối xuống Âm phủ. Vách động có 5 chữ hán “Nam thiên đệ nhất động”.

Lễ hội Chùa Hương khai hội bắt đầu từ mùng 6 tháng giêng hàng năm đến hết rằm tháng ba âm lịch. Năm 2013, chỉ sau hai tuần khai hội, Chùa Hương đã đón 41,6 vạn khách du lịch đến thăm quan, vãn cảnh, trảy hội.

Ngoài những địa điểm trên, mỗi quận, huyện của Hà Nội đều có hệ thống di tích, đình, đền, chùa dày đặc, một số nơi là điểm đến không thể thiếu của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về như đền Ngọc Sơn, đền Và, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Gióng, chùa Thầy, chùa Tây Phương… tạo nên sự hấp dẫn trong các tour du lịch đầu Xuân.

Nhiều công ty du lịch như Vietravel, Vietrantour, Mytour… cũng đã xây dựng các tour du lịch ngắn ngày tại một số điểm di tích quanh Hà Nội như tour du lịch chùa Hương 1 ngày của Vietrantour giá người lớn là 790.000 nghìn đồng/người, tour du lịch sông Hồng, tour 1 ngày tại các địa điểm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn… với giá gần 600.000 đồng/người.

Các công ty tổ chức tuor khẳng định luôn coi trọng các tour du lịch hành hương cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần để ngoài việc tạo mọi tiện nghi trong sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đến việc chuẩn bị về tâm lý cho từng du khách trước khi tham gia chuyến hành hương về địa điểm thiêng liêng mà họ đang mong đợi.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã định hướng sẽ phát triển 3 tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là: Hà Nội - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội - Chùa Hương - Tam Trúc, Ba Sao (Hà Nam) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) - Đền Trần (Nam Định); tuyến Kinh đô Việt cổ: Đền Hùng (Phú Thọ) - Hà Nội - Hoa Lư (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Cố đô Huế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần