Sau ba năm, Trung Quốc đang mở cửa biên giới trở lại, bỏ kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch trong nước và giảm bớt hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, liệu du lịch quốc tế có thể phục hồi như mức trước đại dịch được hay không? Câu trả lời là: Rất khó!
Khả quan nhất là vào mùa hè – Đó là những gì mà các chuyên gia hàng không dân dụng trả lời với tờ Caixin khi được hỏi về thời điểm trở lại của các chuyến bay quốc tế.
Tất nhiên dự báo trên vấp phải nhiều sự phản đối, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Các nhân viên an ninh, phi công và toàn bộ phi hành đoàn phải mất nhiều thời gian mới trở lại sân bay hay việc bùng phát dịch trên diện rộng cũng ảnh hưởng đến sự phục hồi ngành du lịch.
Vào ngày 8/1, cánh cửa du lịch quốc tế lại mở ra đối với toàn thể người dân Trung Quốc, khi mà quốc gia này bắt đầu cấp lại hộ chiếu cho công dân và không bắt buộc du khách trong nước phải trải qua kiểm dịch.
Cũng vào ngày này, các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế theo chính sách "Five One" cũng được dỡ bỏ. Chính sách này có hiệu lực từ tháng 3/2020, giới hạn các hãng hàng không quốc tế chỉ một chuyến bay mỗi tuần.
Tuy nhiên, do chính sách này cũng như việc nới lỏng chính sách zero-Covid từ trước mà số lượng ca bệnh do chủng mới gây ra dự kiến sẽ tăng nhanh chóng mặt và các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ khả năng bùng phát dịch mới trên toàn quốc.
Vào tháng 12/2022, các chuyên gia dự đoán khoảng 60% dân số sẽ bị nhiễm bệnh trong vòng một đến ba tháng tới.
Làn sóng bùng phát các ca mắc mới do các biến thể covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi lâu dài của thị trường sẽ - các chuyên gia cho biết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chủng mới nhất Omicron XBB.1.5 là biến thể dễ lây truyền nhất cho đến nay và đã được phát hiện ở 29 quốc gia.
Trong tuần cuối cùng của tháng 12, biến thể này chiếm hơn 40% số ca nhiễm mới ở Mỹ - theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Các chuyên gia cho biết biến thể này dễ lây lan đến mức 80% người Mỹ đã bị nhiễm covid trước đó có khả năng mắc lại nó.
Omicron cũng như các biến thể phụ của nó, gồm BF.7 và BA.5.2, là nguyên nhân chính trong các đợt bùng phát trở lại ở Trung Quốc trong năm nay. Giờ đây, với việc mở cửa trở lại, dư luận các lo lắng hơn về liệu chủng XBB.1.5 có tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới hay không?
Khi được hỏi về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, một số chuyên gia đã đề xuất cách ly tại nhà trong ba ngày đối với khách du lịch trong nước để nhằm ngăn chặn cũng như làm chậm quá trình xâm nhập của biến thể mới. Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đang quan tâm đến kiến nghị này.
Mở các chuyến bay trở lại
Việc các hãng hàng không đã hoạt động trở lại để đón khách du lịch trong vài tuần qua đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận.
Vào cuối tháng 10, nhiều hãng hàng không nội địa cho biết họ sẽ nối lại nhiều chuyến bay quốc tế hơn khi Trung Quốc dần nới lỏng các quy định phòng chống covid -19 đối với du khách quốc tế. Tính đến cuối tháng 12, ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc - Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines - đã nối lại các chuyến bay trên 136 tuyến quốc tế.
Do các sân bay cần nhiều thời gian để khôi phục việc kiểm tra an ninh hành khách và các quy tắc khác nên ngành hàng không sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa để bắt nhịp thay vì mở ngay một lúc nhiều đường bay quốc tế - Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết.
Các chuyến bay nội địa đã tăng trở lại, CAAC kỳ vọng các chuyến bay nội địa sẽ phục hồi tới 88% mức trước đại dịch vào cuối tháng này.
"Tuy nhiên đối với các chuyến bay quốc tế, chúng tôi không đặt bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào." - Một quan chức của CAAC phát biểu với báo giới.
Hiện tại, mọi thứ vẫn chưa chắc chắn, các sân bay và hãng hàng không đang chịu tổn thất lớn và sẽ phải đau đầu khi tăng số lượng nhân viên chỉ trong một thời gian ngắn – Theo ông Li Hanming - một nhà tư vấn hàng không tại Li & Li Consultancy.
Sau ba năm đầy khó khăn, việc mở cửa biên giới trở lại đã mang lại hy vọng cho các công ty hàng không của Trung Quốc cũng như các đối tác quốc tế của họ.
Theo dữ liệu từ CAAC, tổng lợi nhuận lũy kế của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc từ năm 2015 đến 2019 là khoảng 160,4 tỷ nhân dân tệ (23,5 tỷ USD). Tuy nhiên, ngành này đã thiệt hại gần gấp đôi trong ba năm xảy ra đại dịch. Trong ba quý đầu năm 2022, ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất đã báo cáo khoản lỗ ròng tổng cộng 73,8 tỷ nhân dân tệ.
Những cứu cánh đến từ chính phủ
Chính phủ đã đưa ra một giải pháp cứu cánh cho toàn ngành du lịch. Vào tháng 7, thông qua các nhà đầu tư, CAAC đã bơm một lượng tiền mặt trị giá 3 tỷ nhân dân tệ (439 triệu USD) vào các hãng Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines cũng như 2 tỷ nhân dân tệ vào tổ chức Capital Airport Holding.
Ngoài khoản vay khẩn cấp 65,6 tỷ nhân dân tệ cho các hãng hàng không và sân bay, chính phủ còn cung cấp thêm 150 tỷ nhân dân tệ cho các hãng hàng không và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, bao gồm miễn nộp 1% thuế giá trị gia tăng vào năm 2022. CAAC cũng miễn cho các hãng hàng không khỏi phải đóng Quỹ phát triển hàng không dân dụng vào năm 2020.
Ngoài ra, thiếu nhân sự cũng là một trong những trở ngại lớn đối với sự phục hồi của ngành du lịch. Trong quãng thời gian đại dịch, nhiều hãng hàng không đã chuyển các chuyến bay chở khách quốc tế sang chở hàng, một số hãng thậm chí còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trong thời gian phong tỏa, bao gồm China Eastern Airlines và Juneyao Air. Năm 2021, Hainan Airlines đã chuyển 315 chuyến bay chuyển từ phục vụ hành khách sang vận chuyển hàng quốc tế.
Do đó, trong 3 năm qua, nhiều phi công đã không có nhiều thời gian bay để rèn luyện hoặc duy trì trình độ lái. Ví dụ: CAAC giới hạn số giờ bay của phi công không quá 100 giờ mỗi tháng, với hầu hết các chuyến bay thông thường là 80 đến 90 giờ. Nhưng trong thời kỳ đại dịch, con số đó đã giảm ít nhất một nửa - Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Cũng trong thời kỳ này, các phương pháp chủ yếu để duy trì trình độ của phi công đến từ các buổi huấn luyện giả lập và các chuyến bay bồi dưỡng. Một phi công của hãng hàng không Spring Airlines cho biết công ty của người này đã tăng cường các khóa đào tạo tập trung vào trình độ của các phi công lái các tuyến quốc tế.
Ngoài ra, làn sóng lây nhiễm covid lan rộng khắp cả nước cũng khiến các phi công phải quay trở lại buồng lái ngày càng thêm khó khăn.
Bài học kinh nghiệm
Mùa hè năm nay, Sân bay Heathrow ở London chứng kiến tình trạng hủy hàng loạt các chuyến bay và tình trạng hỗn loạn khi nhận hành lý, xuất phát từ sự tăng lên chóng mặt của các chuyến bay vào mùa hè và tình trạng thiếu hụt một lượng lớn nhân viên tại sân bay. Với hơn sáu triệu người vào tháng 7, sân bay này ghi nhận mức tăng kỷ lục khách du lịch - hơn bất kỳ sân bay nào tại châu Âu.
Về phía Trung Quốc, vào năm 2021, sân bay Quốc tế Phố Đông Thượng Hải đã xử lý 32 triệu hành khách, thấp hơn 58% so với 76 triệu hành khách vào năm 2019. Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh đã xử lý hơn 100 triệu hành khách vào năm 2019 và con số đó đã giảm xuống còn 32 triệu vào năm 2021.
Việc mở cửa trở lại đã được chờ đợi từ lâu. Vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài cũng như hộ chiếu mới cho công dân nước này. Mọi người chỉ được phép rời khỏi Trung Quốc vì mục đích giáo dục, việc làm hoặc kinh doanh không thể hoãn lại và được xác nhận khi cần thiết.
Các chuyên gia cho biết việc khởi động lại các tour du lịch quy mô lớn đòi hỏi các cuộc đàm phán ngoại giao với các quốc gia là điểm đến và dự kiến sẽ bắt đầu với các quốc gia Đông Nam Á - những điểm đến lớn nhất mà du khách Trung Quốc hướng đến.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều thị thực du lịch được cấp trước khi xảy ra đại dịch đã hết hạn cũng như lãnh sự quán hoặc trung tâm cấp thị thực của một số quốc gia tại Trung Quốc đã đóng cửa gần đây do sự gia tăng của các ca nhiễm mới khiến người dân Trung Quốc không thể nộp đơn xin thị thực ngắn hạn.
Do đó, các quốc gia cấp thị thực khi đến hoặc miễn thị thực đã trở thành điểm đến phổ biến nhất. Theo dữ liệu từ công ty du lịch trực tuyến Qunar, vào sáng ngày 27/12, khi thông báo mở cửa trở lại, số lượng đặt phòng khách sạn quốc tế trên nền tảng này của ba quốc gia Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt tăng 116%, 86% và 56% so với ngày hôm trước.
Tuy nhiên, do sự gia tăng các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc gần đây, nhiều quốc gia khác đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ Trung Quốc. Nhật Bản đã bắt đầu yêu cầu xét nghiệm covid đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly tối đa bảy ngày tại các nơi được chỉ định.
Mỹ cũng đã bắt đầu yêu cầu tất cả khách du lịch từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm covid âm tính không quá hai ngày trước khi bay đến nước này.
Những chính sách trên có thể làm giảm sút một lượng lớn khách du lịch.
Trước đại dịch Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, khác du lịch tăng đột biến từ 4,5 triệu người năm 2000 lên hơn 300 triệu người vào năm 2019. Tổ chức này cũng cho biết du khách Trung Quốc cũng là những người chi tiêu nhiều nhất trên thế giới - chi 277 tỷ USD vào năm 2018 - gần gấp đôi so với nước xếp thứ hai là Mỹ và chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế.
Theo UNWTO, đến tháng 9/2021, con số này đã giảm 61% so với mức của năm 2019. Các điểm đến như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi du khách Trung Quốc chiếm đa số - đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Tương tự như ngành hàng không, tình trạng thiếu nhân sự trong ngành du lịch cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều thời gian hơn để hoạt động trở lại bình thường. Số lượng nhân viên công ty du lịch ở Trung Quốc đã giảm từ 415.900 người vào năm 2019 xuống còn 278.800 người vào năm 2021- Theo dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch.