Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Việt đa dạng thị trường đón khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do tình hình chính trị, phòng chống dịch Covid-19, nhiều nước vẫn hạn chế du khách đến Việt Nam. Để hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, doanh nghiệp lữ hành đã đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Úc, Bắc Mỹ...

Doanh nghiệp gặp khó

Sau khi Trung Quốc chính thức công bố danh sách 20 quốc gia mà nước này cho phép tổ chức tour đưa khách Trung Quốc đến du lịch, không có Việt Nam, các DN du lịch đã lên phương án đẩy mạnh khai thác những thị trường khác. 

Khách du lịch Pháp tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch Pháp tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Theo Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang Từ Quý Thành, trước đây du khách đến từ Nga luôn lựa chọn Việt Nam là điểm đến bởi giá tour không cao, có tài nguyên đẹp, ẩm thực ngon, đường bay thẳng. Tuy nhiên, hiện nay lượng du khách Nga đến Việt Nam giảm sút, thay vào đó họ chọn Thái Lan.

Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine nổ ra , các chuyến bay thuê bao từ Nga đến Việt Nam chưa được nối lại. Hiện khách du lịch Nga chỉ đến Việt Nam theo nhóm nhỏ tự túc. Họ phải quá cảnh tại Uzbekistan và Kazakhstan trước khi đáp chuyến bay đến Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. "Việc khai thác thị trường khách Nga đang gặp khó khăn vì khách đi theo quá cảnh ở nước thứ ba sẽ tốn kém nên không nhiều người đi theo dạng này"- ông Từ Quý Thành nêu rõ.

Thống kê của OneTwoTrip cho thấy, Thái Lan là điểm đến du khách Nga yêu thích nhất với tỷ lệ đặt vé máy bay chiếm 38,7%, tiếp theo là Indonesia (10,9%), Việt Nam (10,8%).

Khách du lịch Úc tham quan chùa Một Cột. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch Úc tham quan chùa Một Cột. Ảnh: Hoài Nam
 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đón khách du lịch Trung Quốc, Bộ VH-TT&DL Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên khôi phục và phát triển du lịch. 

Một thị trường tiềm năng khác là Trung Quốc, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng phân tích, trước khi diễn ra dịch Covid-19 lượng khách du lịch Trung Quốc đến với Việt Nam theo diện khách lẻ không nhiều, chủ yếu đi theo hình thức khách đoàn. “Để có thể đón khách Trung Quốc, các doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán, thỏa thuận mở lại du lịch giữa 2 nước để kịp đón đầu cao điểm du lịch hè” - ông Phùng Quang Thắng kiến nghị.

Tăng cường khai thác thị trường chất lượng cao

Theo các chuyên gia du lịch, để có thể đón 8 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường khai thác những thị trường chất lượng cao.

Khách du lịch Pháp tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch Pháp tham quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn(Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long cho rằng, thời gian tới doanh nghiệp nên đẩy mạnh khai thác thị trường có mức chi tiêu cao như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, châu Âu.

"Chỉ tính riêng Hàn Quốc vào năm 2019, có hơn 28,7 triệu người dân Hàn Quốc đã đi du lịch quốc tế, thì có đến 4,3 triệu khách chọn Việt Nam làm điểm đến tham quan. Riêng trong tháng 1/2023 Hàn Quốc vẫn là thị trường cung cấp khách quốc tế tới Việt Nam lớn nhất với 258.946 lượt du khách” -  ông Phạm Hồng Long nêu ví dụ.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng chia sẻ, doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung khai thác các thị trường tiềm năng khác.

"Hiện Vietravel tập trung vào thị trường nguồn khách mới nổi, cụ thể thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, các nước Trung Đông và gần đây nhất là thị trường Mỹ. Nguyên nhân là bởi thời gian gần đây xu thế khách hàng lựa chọn hành trình và tìm kiếm thị trường Việt Nam từ những nơi này khá cao" - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nêu rõ.

Khách du lịch châu Âu tham quan phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch châu Âu tham quan phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Đại diện Vietnam Airlines thông tin, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo còn khó khăn hơn 2022, dù vậy, Vietnam Airlines vẫn đang cố gắng chủ động kế hoạch để nối lại nhiều hơn các đường bay quốc tế tới châu Âu, Mỹ, Úc. “Thời gian qua, đường bay đến Úc, CHLB Đức đạt lượng khách khả quan. Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới du lịch sẽ khai thác mạnh hơn tiềm năng từ các thị trường này" - đại diện hãng chia sẻ.

Tương tự, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đánh giá, bên cạnh thị trường Đông Bắc Á thì thị trường Mỹ, Úc cũng có nhiều tiềm năng để ngành du lịch, hàng không khai thác bởi đây là những thị trường lớn, sức chi tiêu cao. Tuy nhiên để thu hút khách từ thị trường này đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có những chương trình xúc tiến, quảng bá chuyên sâu, chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 3 triệu lượt khách quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, để hoàn thành kế hoạch trong khi thị trường Trung Quốc tạm “đóng cửa”, du lịch Hà Nội xác định thu hút khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Nhật, Hàn Quốc, Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ.

Ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cho thấy việc đa dạng thị trường khách quốc tế, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc sẽ góp phần giúp ngành du lịch đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.