Đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh
Du lịch xanh, tăng trưởng xanh không phải là khái niệm mới, nó đã xuất hiện từ những năm 1970 khi con người thể hiện ý thức mạnh mẽ về tự nhiên thông qua các phong trào bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mãi đến 2 thập kỷ gần đây, nhất là khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần, cháy rừng, bão lũ…, du lịch xanh mới trở nên cấp bách và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên toàn cầu.
Không ở ngoài cuộc, Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh, bởi nó đề cao ý thức của con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc sở VH-TT&DL Quảng Nam cho hay, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đa dạng và phong phú để phát triển du lịch, nổi bật với 2 di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, nghệ thuật Bài chòi cùng nhiều giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, con người và ẩm thực đã tạo thành điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Quảng Nam còn có bờ biển dài 125km với nhiều bãi biển thuộc vào loại đẹp nhất trong cả nước, thuận lợi cho việc khai thác nghĩ dưỡng. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hấp dẫn, tính đa dạng sinh học cao và các giá trị văn hóa bản địa độc đáo ở phía Tây.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã thực hiện những chuyển biến trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển thương mại, du lịch; Chương trình phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, ban hành kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và Bộ tiêu chí du lịch xanh.
“Quảng Nam đã có bước chuyển hướng đầu tư phát triển du lich xanh và xem đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi và phát triển ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bới dịch bệnh Covid-19. Với việc ban hành những văn bản cụ thể, có thể nói tỉnh Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh trong năm 2022. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình hành động nhằm cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa của đồng bào gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bên cạnh đó, phát triển du lịch biển đảo, tạo ra các sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước. Từ những tiềm năng và lợi thế trên, Quảng Nam hoàn toàn đủ khả năng để định hình du lịch xanh, hướng đến bền vững trong tương lai.
Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch hoạt động tại Quảng Nam cũng nhận định, du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây là định hướng lâu dài cho ngành du lịch trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc Công viên Ấn tượng Hội An cho rằng: “Du lịch xanh là xu thế du lịch tất yếu trong tương lai. Với nhận thức cần phải đón đầu xu thế du lịch này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã có những bước chuyển mình, đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng dân cư và bước đầu đã được ghi nhận”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Hội An hiện có trên 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận Nhãn du lịch xanh, hướng tới chuẩn bị hành lang pháp lý đệ trình chứng nhận Hội An là điểm đến du lịch xanh. Đây chính là việc làm hữu ích để xây dựng và giữ vững hình ảnh Hội An trong lòng du khách.
Cần thêm trợ lực
Các chuyên gia cho rằng, để “chữa lành vết thương” Covid-19, ngoài việc cố gắng đưa du lịch phục hồi như trước đại dịch, hãy nghĩ đến những cách làm du lịch bền vững hơn, nhân bản hơn. Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, hướng đến mục đích bảo vệ thiên nhiên là cần thiết.
Tuy nhiên, xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng đã khó, song giữ gìn và phát huy bền vững những sản phẩm du lịch có chất lượng càng khó hơn. Do vậy, cần thêm những trợ lực như hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, dịch vụ lưu trú… để hướng đến du lịch xanh bền vững.
Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa đề xuất, cần có chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp bởi đây đều là những lĩnh vực mà du lịch Quảng Nam có nhiều tiềm năng. Về vấn đề này, tỉnh Quảng Nam đang lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lồng ghép nội dung du lịch xanh.
Thời gian qua Bộ KH&ĐT cũng đưa các nhiệm vụ khuyến khích chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển du lịch xanh.
Bà Trần Minh Huế - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ KH&ĐT cho hay, trong giai đoạn 2012 - 2020, Quảng Nam được Bộ lựa chọn thí điểm thực hiện tăng trưởng xanh. “Trong thời gian đến, du lịch xanh là lĩnh vực mà Bộ triển khai thi điểm, từ đó có tính toán là sao để huy động vốn, giúp Quảng Nam tiếp cận các nguồn quỹ nhằm phát triển du lịch xanh” - bà Trần Minh Huế nói.
Ngoài ra, Quảng Nam là địa phương đầu tiên cả nước công bố bộ tiêu chí du lịch xanh cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ thực hiện, có cơ hội quảng bá trên các kênh truyền thông của Quảng Nam và tổ chức quốc tế về du lịch xanh; có cơ hội tham gia mạng lưới du lịch xanh, được kết nối với các công ty lữ hành lớn.