Thang máy trở thành trò chơi: Thang máy vốn là nơi di chuyển của cộng đồng dân cư. Thế nhưng, tại khu nhà 21 tầng khu nhà B12, B14 khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) thì thang máy lại là nơi dỗ trẻ ăn cháo của các bà. Vừa vào thang máy, một người phụ nữ bồng cháu nhỏ nói cùng bát cháo: “Bấm đi con”.
Đứa trẻ nghe lời bà bấm liên tiếp nhiều số trong thang máy. Nhiều người đi chung thang máy nóng ruột vì đang vào giờ cao điểm nhưng thang máy cứ mở ra đóng lại ở nhiều tầng. Theo ông Đinh Văn Quảng - thành viên ban quản trị khu nhà B thuộc cụm chung cư tái định cư Nam Trung Yên cho hay: Cảnh người dân cho con nghịch thang máy xảy ra thường xuyên. Nhiều người bồng con vào thang máy chỉ để cho con nhỏ bấm nút nghịch chơi.
Người dân sống ở chung cư khu nhà B12, B14 cũng sống đủ với thói quen xấu của một số cư dân khác. Nhìn bề ngoài của khu nhà 4 tòa 21 tầng khá khang trang, mới được cư dân di dời từ dự án Vành đai 2,5 về sinh sống từ hồi cuối năm 2017 nhưng đã nhếch nhác, bẩn thỉu vì những lối sống quen chiếm dụng diện tích chung.
Tại tầng 2, nhà B12, nhiều căn hộ bức xúc từ chuyện chiếm lối đi chung làm nơi chứa đồ, làm chỗ ăn uống... đến chuyện vứt rác bừa bãi. Bà Đoàn Thanh Tâm, một cư dân sống ở tòa nhà cho biết: Diện tích các căn hộ của mỗi tầng khá nhỏ hẹp, từ 42m2 đến 76m2. Sàn của một tầng có đến hơn chục căn hộ.
Trong khi, nhiều gia đình có đến 3 thế hệ, nên thay vì để tủ giày trong nhà, xe đạp dưới tầng hầm… thì nhiều cư dân mang bày hết ở hành lang. “Ra đến cửa nhà mình là va vào đồ nhà bên cạnh. Nhắc nhau cũng phải nhẹ nhàng. Nhiều khi là thói quen, nhưng cũng là khó khăn của căn hộ đông nhân khẩu và diện tích hẹp. Nhưng nếu nhà mặt đất thì sẽ ít ảnh hưởng đến hàng xóm, nhà chung cư nên chúng tôi cảm thấy phiền toái” - bà Đoàn Thanh Tâm chia sẻ.
Những mâu thuẫn nội tại khác: Trước tình trạng nhiều lần bị “tai bay, vạ nước” từ tầng cao vào người, một cư dân chung cư Xuân Phương Quốc hội (Nam Từ Liêm) bức xúc: “Tôi hay đi lại trong sân, khu vực dưới tòa CT2A và CT2B, đã không ít lần được hứng nước hắt từ trên cao xuống, chẳng hiểu nước sạch hay bẩn, vì không biết căn nào văn minh đến thế để nhắc nhở, nên đã báo bảo vệ”.
Trước việc chưa có biện pháp xử lý triệt để này, nhiều cư dân cho biết, giờ chỉ mong có thêm camera ngoài tòa nhà để tăng cường giám sát, hy vọng nâng cao được ý thức của những người ưa té nước bất kể nắng mưa.
Trong việc tạo dựng văn hóa chung cư, ngoài các chủ thể chính là cư dân, không thể không nhắc tới vai trò của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Không ít tòa chung cư, người dân tỏ ra không hài lòng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhân viên vận hành tòa nhà. Nhiều cư dân của dự án HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra bức xúc trước tình trạng bảo vệ coi thường người dân. Theo phản ánh của cư dân tòa nhà này, thì bảo vệ ở đây có giọng điệu hách dịch, hay mắng cư dân trong khi lỗi không phải do họ.
“Không có biển chỉ dẫn và khách đi sai làn đường cũng bị mắng. Phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ bị lỗi không nhận xe ra (nên vẫn tính là xe còn gửi trong bãi), nên không thể gửi xe vào, nhưng bảo vệ thờ ơ, chỉ ngồi và phán, đoán già đoán non, không có sự hỗ trợ cư dân” -một cư dân bức xúc.
Khác với ranh giới cứng về diện tích sử dụng của loại hình nhà đất, không gian chung ở chung cư đôi khi cư dân hiểu khá mơ hồ. Từ đó cũng có nhưng cách hành xử chưa thật chuẩn mực. Một cư dân đỗ xe sai làn, chiếm phần diện tích của xe khác; đỗ xe ô tô ngay trước hộp vòi chữa cháy; rồi khoan đục, cải tạo nhà cửa bất kể thời gian, trong khi nhà hàng xóm có người già, trẻ nhỏ… Tất cả những điều đó đều đang khiến cho không gian sống tại chung cư nhiều khi trở nên bí bách, ngột ngạt.
Có lẽ, để xây dựng được văn hóa chung cư tốt, một môi trường sống an toàn, gắn kết yêu thương, thì cần rất nhiều sự nỗ lực của từng người dân, từ những hành động nhỏ như sử dụng thang máy, xả rác, đỗ xe…